Tỉnh Thanh Hóa: Các doanh nghiệp du lịch “kết bè vượt bão” Covid-19
Kinh tế 02/07/2021 10:31
Doanh nghiệp du lịch trong tình trạng “ngủ đông”
Khi bị ngừng hoạt động, không chỉ các DN làm du lịch thiệt hại mà còn gây hệ lụy đối với xã hội, các ngành dịch vụ nương theo hoạt động du lịch cũng bị “vạ lây”. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành và nhiều người lao động trong xã hội.
Mọi năm vào dịp nghỉ Hè, nhất là những ngày cuối tuần, khách trong và ngoài tỉnh đổ về Sầm Sơn đông nghịt. Nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày cuối tuần vừa qua, mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ của thành phố biển gần như ngưng lại.
Ông Nguyễn Bá Hải, 61 tuổi, quản lí Khách sạn Bằng Giang, thuộc Công ty TNHH Bằng Giang, trên đường Hồ Xuân Hương (đường ven biển Sầm Sơn) cho biết: “Năm 2020, tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy du lịch, không lên kế hoạch đi du lịch là phổ biến do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19. Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của tỉnh Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, từ trước Hè, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp lại hệ thống khách sạn cho sạch đẹp và hiện đại, thay mới các thiết bị để bảo đàm tuyệt đối an toàn. Cùng với đó là chuẩn bị đội ngũ nhân viên đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng phục vụ khách. Sau đêm khai trương, khách sạn chúng tôi đã có khách đặt gần như kín vào dịp nghỉ lễ. Bất ngờ dịch bùng phát trở lại, khách đặt phòng lần lượt gọi hủy; khiến chúng tôi thiệt hại vô cùng nặng nề”.
Bãi biển không có khách du lịch |
Do thua lỗ, một số DN rao bán khách sạn, còn những DN cố cầm cự thì lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa nhận định: Dịch bệnh đã làm thay đổi toàn bộ hành vi và thói quen, xu hướng đi du lịch của du khách. Phần lớn du khách đi nhóm nhỏ gia đình, tự tổ chức nên các công ty lữ hành cũng mất dần nguồn khách. Ý thức và đòi hỏi của khách hàng du lịch ngày một cao nên đòi hỏi các DN du lịch cũng phải thích nghi để thích ứng.
Vượt “bão” để tồn tại
Trong khó khăn, cộng đồng DN du lịch Thanh Hoá đã có nhiều cách làm mới để duy trì nội lực và nâng cao tinh thần "kết bè vượt bão”. Chính quyền địa phương, các sở ban ngành trong tỉnh đã có những hoạt động chung, đưa ra các hình thức liên minh, liên kết hỗ trợ xây dựng sản phẩm, khai thác thị trường.
Đường Hồ Xuân Hương giáp biển Sầm Sơn vắng khách du lịch vì dịch Covid-19. |
Được biết, để ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các DN, đơn vị lữ hành của tỉnh Thanh Hóa đã lập ra nhóm zalo để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, vé máy bay, homestay… thống nhất giá và cùng bán sản phẩm. Cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng DN du lịch Thanh Hóa. Đó chính là lợi ích thiết thực nhất của việc “kết bè” để cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão Covid-19”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chính quyền, các sở, ban, ngành chuyên môn tỉnh Thanh Hóa đã có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để từng bước vực dậy ngành “công nghiệp không khói” mỗi khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Qua đó tỉnh Thanh Hóa đã định hướng, hướng dẫn cho các đơn vị DN du lịch trong tỉnh tập trung tiến hành kiện toàn, sắp xếp nhân sự; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kĩ thuật; làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ”.
Thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, từ giữa tháng 5/2020, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hội nghị giữa các DN du lịch, kêu gọi tinh thần đoàn kết, chia sẻ, liên kết phát huy sức mạnh tổng hợp, nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn.
Trong tháng 6/2020, sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, du lịch lập tức trỗi dậy. Chương trình kích cầu du lịch “Người Thanh Hóa đi du lịch Thanh Hóa” được phát động, thu hút sự tham gia của đông đảo các sở, ngành, hiệp hội, địa phương và DN.
Có thể nói các Chương trình kích cầu du lịch trên diện rộng với những cố gắng rất lớn của tỉnh Thanh Hóa, DN và người dân lập tức mang lại hiệu quả. Du lịch Thanh Hóa nói chung và DN du lịch đã “hồi sinh” giữa tâm bão mang lại niềm tin và hi vọng cho “ngành công nghiệp không khói”.