Thương mại Việt - Trung chủ động, uyển chuyển trong thời vận mới
Kinh tế 18/09/2024 09:59
Tận dụng thời cơ
Thương mại, đầu tư Việt - Trung phát triển là đương nhiên. Hai bên buôn bán chính tắc bằng các thỏa thuận song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí 3 nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi sang thị trường khổng lồ này.
Cùng với đó, hai bên đều có xung lực mới. Trung Quốc vươn mình thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong vài thập kỉ qua, khoa học công nghệ của Trung Quốc phát triển mạnh, các doanh nghiệp của quốc gia này luôn đi tiên phong ứng dụng sáng chế công nghệ hàng đầu thế giới. Còn nước ta, chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Quan hệ không chỉ trên tầm quốc gia mà giữa các địa phương của hai nước cũng có các cam kết hợp tác. Bức tranh hữu hảo càng đa màu, tươi sắc hơn.
Nhận diện khó khăn
Đó là nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng lớn, không thể tiến tới cân bằng mà nguồn gốc sâu xa là chênh lệch quá lớn giữa hai nền kinh tế - thương mại kề bên nhau.
Đến nay, chủ yếu ta xuất khẩu sang Trung Quốc nông lâm thủy sản thô, tươi sống, sơ chế, nặng khối lượng nhưng tiền thì nhẹ. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nhóm hàng này hằng năm của cả nước chỉ vài chục tỉ USD (năm 2023 là 32,4 tỉ USD) đủ hiểu phần sang Trung Quốc thế nào. Ngoài ra, Trung Quốc nhập đồ gỗ từ Việt Nam (năm 2023 là 1,7 tỉ USD) cùng một số đồ điện tử, sản phẩm từ cao su..., giày dép cũng sang Trung Quốc nhưng chẳng thể sánh được với từ bên họ đổ vào ta. Vì thế, dù là đối tác xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, song kim ngạch năm 2023 chỉ bằng 63% số tương ứng với Mỹ.
Hơn nữa, hàng nông lâm thủy sản của ta nay đã khác trước từ hình thức đến nội dung. Nhờ áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học, từ vườn cây, ao nuôi đến cải tiến công nghệ chế biến, kiểm dịch… với đội ngũ nông dân hiểu biết, đã tạo số lượng dồi dào, chất lượng bảo đảm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xuất khẩu, nỗ lực vượt rào cản, tự tin cạnh tranh trên các thị trường, kể cả các khách hàng kĩ tính. Cùng với đó, xúc tiến thương mại do Nhà nước cùng doanh nghiệp hùn sức ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, nên nông lâm thủy sản Việt không chỉ đến Trung Quốc mà đã tới Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu loại hàng này vào Trung Quốc vẫn tăng nhưng thị phần lại giảm. Dù hoan hỉ, nông phẩm Việt sang Hoa lục vẫn đứng sau người Thái.
Nguyên nhân chính tạo ra nhập siêu từ Trung Quốc là khối khổng lồ hàng nhập khẩu từ thị trường này đã, đang và còn “chảy” vào ta. Bây giờ không còn cảnh dòng người Việt còng lưng gùi cõng hàng bên kia lẻn qua đường mòn, lối mở, tập kết ở Hang Dơi (Lạng Sơn), rồi từ đó lên xe vù qua trạm Dốc Quýt vào ta theo mọi ngả. Cũng không còn cảnh cứ tảng sáng từng đoàn xe chật ních người đổ về Lạng Sơn, ùa vào chợ Đồng Đăng vơ vét hàng, đến chợ Đông Kinh chất thêm. Hàng Trung Quốc ngày nay vào ta được bảo đảm bằng các hiệp định buôn bán chính tắc theo đường bộ, đường thủy, đường sắt. Được biết, Trung Quốc dựng các kho hàng lớn sát đường biên, ship về Hà Nội nhanh hơn đưa từ TP Hồ Chí Minh ra Thủ đô!.
Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt may, da giày, phụ tùng điện tử, quang học lớn nhất cho Việt Nam. Nay ở đâu, mùa nào cũng mua được hoa quả Trung Quốc, còn hàng tiêu dùng công nghệ thì bày la liệt, mẫu mã, tính năng luôn được cải tiến hấp dẫn mọi đối tượng.
Cũng có điều lạc quan rằng, FDI từ Trung Quốc tăng mạnh về số lượng, quy mô, dòng vốn… vì trước đây, doanh nghiệp nước này thường tập trung vào sản xuất may mặc, da giày, chế biến thực phẩm hay đồ gia dụng thì vài năm qua xuất hiện nhiều tập đoàn lớn về công nghệ, điện - điện tử, chế biến - chế tạo, năng lượng tái tạo, xe điện. Nhưng tình trạng bội thực các nhà FDI nói là sản xuất, chuyển giao kĩ thuật song chỉ là gia công, lắp ráp, phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào…
Rốt cuộc, hiệu số từ khối nhập khẩu không lồ từ Trung Quốc với phần xuất khẩu khiêm tốn của ta sinh ra thâm hụt thương mại lớn. Trung Quốc là nhà nhập khẩu số 1 của Việt Nam, cũng giữ ngôi “quán quân” về nhập siêu vào ta. Thương mại song phương thăng tiến trong 15 năm qua thì thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc cũng theo đó mà tăng từ khoảng 10 tỉ USD năm 2008 lên 50 tỉ USD vào năm 2023 và 8 tháng 2024 con số là 54,4 tỉ USD.
Vượt qua
Muốn giảm bớt nhập siêu phải nâng cấp độ xuất khẩu, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Tiếp đó (rất quan trọng trước mắt cũng như lâu dài), phải sử dụng “chìa khóa” chất lượng, tăng cường chế biến, cùng với việc quảng giao để bán nông sản thực phẩm sang nhiều thị trường khác.
Đồng thời tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, phụ tùng từ các địa chỉ khác hoặc mở sàn giao dịch các loại vật tư đó tại Việt Nam, các nhà cung cấp sẽ tự cạnh tranh, doanh nghiệp của ta có nhiều lựa chọn.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại, giúp doanh nghiệp tự tin khi “giáp mặt” với các đối tác; khai thác thế mạnh về du lịch, dịch vụ đang khởi sắc.
Đó là khát vọng tự lực, tự cường, tự tôn bằng sức mạnh nội sinh kết hợp với việc vận dụng sáng tạo phương châm “Đa dạng hóa, đa phương hóa” trong lĩnh vực kinh tế, bằng thực lực kinh - tài. Nay ta đã kết bạn với hầu khắp các nền kinh tế trên hành tinh thì điều đó là có thể.