“Thuận thiên” ở Đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế 01/05/2021 09:30
Tôi đã đọc trong sách, nghe những đồng chí quê ở ĐBSCL công tác tại chiến khu Bắc Tây Ninh (gọi tắt là R) nói về “cá lền nước như bánh canh” ở Đồng Tháp Mười, ở Tứ giác Long Xuyên, ở U Minh Hạ, U Minh Thượng, nhưng khi hai tay một lúc giật hai cần câu cho Sáu gỡ cá lóc, cá rô, cá chốt, tôm càng xanh…, tôi mới tin họ không nói dóc. Cơm vừa sôi, Sáu bảo tôi không câu nữa, đã thừa ăn, cứ rộng cá dưới rừng tràm cho nó tươi!
Chiếc xuồng kẹp giữa hai cây tràm to bằng bắp vế mà vẫn bị sóng đánh nghiêng ngửa, chúng tôi phải tựa lưng vào nhau mới ngồi vững. Sáu nói, quê Sáu sát nách tỉnh lị Kiến Tường, từ đây chèo xuồng khoảng tiếng đồng hồ là tới. Sáu nói khi chưa đi làm giao liên Giải phóng, mùa nước nổi như hiện giờ là Sáu thích nhất, ở đâu cũng bơi được xuồng, ngồi đâu cũng câu được cá; có nước nổi, phù sa về, phèn được xả bớt, năm sau lúa trúng mùa, cây tràm lớn nhanh hơn, cây điên điển mới cho bông vàng hực, cây hẹ nước mới thơm tho nồi lẩu cá linh, cá rô mề. Sáu nói, Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên đụng đâu cũng xì phèn, nhưng những nông dân cố cựu như ba cô biết trị phèn, bằng cách lật đất từ từ, đừng sâu quá, rồi bơm hay tát nước từ kênh, xả phèn dần dần. Sắp mùa mưa lại lật đất bởi lúc ấy đất đã bị lớp phèn bên dưới ngấm lên, nước nổi về sẽ cuốn phèn ra sông ra biển. Thế là sạ lúa, trồng khóm, trồng khoai đều tốt…
Cánh đồng lúa ST 25, giống lúa ngon nhất thế giới |
Tối đó chúng tôi không đi được. Tôi đoán có thể Sáu biết đâu đó trên một cung đường giao liên địch đang phục kích. Thế là tôi được sống thêm một đêm giữa rừng tràm chỉ có hai người. Trăng sáng vằng vặc bỗng dưng bị mây che, đồng hoang bỗng xao động những âm thanh đùng đục, tưng tức. Sáu giải thích đó là tiếng cá quẩy vì sợ bóng mây bất ngờ làm tối mặt nước. Càng khuya, mùi hương càng nồng nàn, không biết là hương tràm hay hương con gái đôi mươi…
Không ngờ chỉ một năm sau, chút “kiến thức” về Đồng Tháp Mười có được nhờ cô giao liên trong chiến tranh lại rất bổ ích khi tôi đi viết về ĐBSCL những tháng đầu Nam Bắc về chung một nhà, nhất là kiến thức sống chung với mùa nước nổi, về cách xổ phèn của nông dân...
Mùa nước nổi năm 1978, cả vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, nói chung là cả Nam Bộ, nước lênh láng, lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A) từ Bắc Mỹ Thuận dài lên thị xã Tân An ngập nửa mét. Nước ngâm lâu quá, dân vùng trũng phải tìm lên đất gò dựng lều sống tạm. Rồi những năm sau, lũ lại về, không bằng năm 1978, nhưng ít nhất cũng gần phân nửa ĐBSCL chìm trong nước. Để giúp dân có chỗ ở an toàn, Chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng hàng trăm cụm dân cư cao trên mức nước lũ 1978, với hạ tầng cơ sở tối thiểu. Rồi Chính phủ cho đắp đê bao quanh những thị tứ, quanh những cánh đồng lớn để chặn lũ cho dân làm hai vụ, ba vụ lúa một năm. Từ giữa những năm 1980 đến giữa những năm 1990, tôi thường đi viết về các vùng sản xuất, xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL, nghe nhiều lão nông nói xây dựng các cụm dân cư tránh lũ quá tốn tiền, mà dân vào ở không bao nhiêu vì phải xa ruộng đồng, xa vườn cây, ao cá. Bao năm qua, nếu nước lớn quá thì dân “di tản” lên chỗ cao hay đến nhà bà con dọc các con lộ, nước bắt đầu rút lại về chỗ cũ. Cho dân vay tiền, làm nhà trên cọc xi măng để cùng sống với mùa nước là tốt nhất. Đắp đê bao cũng không nên, vì như vậy khi nước nổi ruộng không có phù sa, chuột bọ nhiều không kể xiết. Ngăn mặn để trồng hai ba vụ lúa thì mùa khô phải khoan nước ngầm, nước ngầm cũng đến lúc cạn kiệt, rồi phía trong cống, sông rạch đủ thứ ô nhiễm.
Hồi ấy tôi chưa hiểu thấu cách “phản biện” của những lão nông về chủ trương di dân, xây đập, xây cống của Chính phủ để ĐBSCL làm ra càng nhiều lúa gạo càng tốt.
Từ khi đất nước thống nhất đến nay, dù chỉ chiếm 12% diện tích, 19% dân số nhưng ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% các loại trái cây; chiếm 95% lượng gạo, 60% lượng cá tôm xuất khẩu của cả nước.
Nhưng càng làm ra nhiều lúa gạo thì môi trường sinh thái càng xuống cấp, rồi thiên nhiên không thể “chiều chuộng” con người mãi, biến đổi khí hậu đã xảy ra trên toàn thế giới do con người làm trái đất nóng lên, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu tác động xấu nhất. ĐBSCL một mặt không còn được thiên nhiên ưu đãi, mặt khác do khai thác quá mức, khai thác trái tự nhiên đã làm đất đai cạn kiệt dinh dưỡng, sụt lún, xói lở, nước ngọt ngày càng khan hiếm.
Rừng U Minh Thượng rộng trên 8.000ha |
Mấy năm gần đây, hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng, trong khi đầu nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã chặn dòng xây 10 con đập lớn, vùng trung nguồn, Thái Lan vừa làm thủy điện, vừa đào hồ dẫn dòng chứa nước, Lào cũng bắt dòng sông Mẹ đẻ ra tiền bằng thủy điện, nên ở hạ nguồn, Việt Nam “lãnh đủ”.
Vì những lẽ trên, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120). Sau khi đề cập đến những hạn chế, bất cập do chủ quan và khách quan trong quá trình phát triển ĐBSCL mấy chục năm qua, Nghị quyết 120 nêu rõ: Thay đổi tư duy phát triển ĐBSCL, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng. Chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết 120 nhấn mạnh: Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế. Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực…
Với cách nhìn mới như vậy trong một nghị quyết rất quan trọng về phát triển vùng, các nhà khoa học cho rằng, Nghị quyết 120 là “nghị quyết thuận thiên”, tức phát triển nhưng không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, không chống lại thiên nhiên, tất cả những gì thiên nhiên có đều là tài nguyên.
Đọc đi đọc lại Nghị quyết 120, tôi lại ao ước Đồng Tháp Mười lại nhiều tôm cá thiên nhiên như trong chiến tranh được cùng cô giao liên thả câu từ khi cho gạo vào càmen đến khi cơm sôi đã dư cá ăn; lại nhớ từ mấy chục năm về
trước, những lão nông ở Đồng Tháp Mười, ở Tứ giác Long Xuyên bao đời sống chung với thiên nhiên nên đã chê cách ngăn nước mặn, cách đắp đê bao chặn nước ngọt không phù hợp…