Thấp thỏm trong những biệt thự trăm tuổi
Bất động sản 25/04/2022 08:05
Nhiều công trình nhà, biệt thự Pháp cổ tại TP.Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng do không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa thường xuyên... Ảnh: Lan Nhi |
Ngày đêm sống trong thấp thỏm
Những căn biệt thự cổ thường nằm ở những vị trí đắc địa, tuyến phố trung tâm, có giá ước tính từ vài chục tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng thế nhưng anh N.A.T (sinh sống ở căn biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vẫn liên tục nhắc nhở tôi nên bật đèn điện thoại khi dò đường đi vào con ngõ sâu hun hút.
Căn biệt thự rêu phong nay đã chia năm xẻ bảy, phân lô thành hàng chục ki-ốt kinh doanh ở mặt tiền nên theo anh N.A.T, phải ngước mắt nhìn lên tầng 2 thì mới thấy rõ nét cổ kính, ai không thông thạo đường đi lắt léo nơi này thì rất dễ bị lạc.
Anh N.A.T chia sẻ: "Nhiều năm nay, các hộ dân tại đây đang phải sống trong cảnh "cha chung không ai khóc" vì không được nâng cấp, sửa chữa. Mỗi khi trời mưa gió, những mảnh tường tại đây thường hay tróc lở rất nguy hiểm. Nhiều hộ dân sinh sống trên tầng thượng còn phải tìm cách gia cố tạm thời bằng tấm tôn lá để chống dột vì phần mái của biệt thự đã hư hỏng nặng, sống trong cảnh nơm nớp lo âu khi một số hộ dân ngang nhiên đào móng phía dưới, xây thêm các công trình phụ, cơi nới chuồng cọp".
Cũng chung hoàn cảnh, chị Lê Thị Trang (sinh sống ở căn biệt thự số 8, phố Tăng Bạt Hổ) khi được hỏi cũng tỏ ra vô cùng bất an.
Theo chị Trang, hiện căn biệt thự tại đây đã quá cũ kỹ, việc bán lại cũng vì thế mà rất khó khăn, trừ trường hợp nhà dân tại đây ngỏ ý mua lại để mở rộng diện tích thì dễ dàng hơn. Trường hợp nếu phải di dời, gia đình chị cũng rất sẵn sàng đến chỗ có điều kiện sống an toàn.
Tường nhà nhiều năm nay đã nứt, bong tróc, gạch, vữa lộ ra, cầu thang gỗ ọp ẹp, mái ngói dột nát, nhiều thanh gỗ bị mọt... do có con nhỏ nên chị lúc nào cũng phải sống trong trạng thái thấp thỏm, cảnh giác cao độ.
"Biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học cũng được xây dựng trước năm 1954, thuộc diện bảo tồn nhóm 2 nên người dân sinh sống tại đây trong quá trình sử dụng phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài. Tình trạng biệt thự cổ xuống cấp nhanh hiện cũng đang diễn ra điển hình tại các tuyến phố lớn như Hai Bà Trưng, Tăng Bạt Hổ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học,... Chúng tôi rất muốn gìn giữ nguyên bản những căn biệt thự cổ này, mong mỏi các cơ quan chức năng nhanh chóng đánh giá tình trạng hư hỏng để đưa ra kế hoạch tu bổ, di dời theo cấp độ để người dân có thể an tâm làm ăn, sinh sống" - ông Mai Văn Báu (Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) cho hay.
Nhiều vướng mắc, rào cản
Mới đây, TP.Hà Nội vừa ban hành quyết định "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025".
Nội dung cụ thể, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu Nhà nước, đang bán dở dang theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định liên quan.
Việc bán biệt thự cổ này nhằm tạo ra nguồn vốn để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.
Hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, gồm cả biệt thự của Văn phòng Trung ương Đảng, Cục phục vụ ngoại giao Đoàn (Bộ Ngoại giao), của các cơ quan khác của Trung ương và thành phố...
Theo quy định, những biệt thự thuộc đối tượng quản lý của quy chế này sẽ được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm 1 (70 - 100 điểm) là những biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Biệt thự nhóm 1 khi cải tạo, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ đúng vị trí, kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và quy hoạch của nhà biệt thự cũ, không làm thay đổi công năng, tính chất sử dụng ban đầu.
Biệt thự nhóm 2 là những biệt thự gắn liền với cách mạng - kháng chiến được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xếp hạng. Khi cải tạo phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao).
Biệt thự nhóm 3 là những biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 - 35 điểm về giá trị kiến trúc nghệ thuật).
Về khó khăn vướng mắc trong quản lý, UBND thành phố thông tin, hiện chất lượng nhiều biệt thự đã xuống cấp, không có đủ kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa. Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm.
Nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng.
Đặc biệt, giai đoạn trước đây (từ năm 1954 đến trước năm 2009), biệt thự cũ chỉ được coi là nhà ở. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp.
Quá trình phân phối, bố trí, cho thuê và sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự.
UBND thành phố cũng đánh giá, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước còn nhiều hạn chế. Nhà biệt thự do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp trước đây hiện không có hồ sơ quản lý, không kịp thời cập nhật về tình trạng biến động, về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Một số cấp chính quyền quận, phường chưa quan tâm đầy đủ đến công tác quản lý trật tự xây dựng.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đang quản lý sử dụng biệt thự còn cố tình phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhưng không xin phép, vi phạm trật tự xây dựng trong nhà biệt thự nhưng chưa được các cấp chính quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Nan giải "bài toán" bảo tồn di sản
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau nhiều năm thực hiện đề án, quyết tâm của TP.Hà Nội dường như vẫn chưa tạo ra hiệu quả, chưa xác định rõ nhóm biệt thự nào cần phải bảo vệ nghiêm ngặt khi câu chuyện bảo tồn di sản vẫn là một bài toán khó.
Cách thức quản lý của thành phố Hà Nội thường là liệt các biệt thự vào danh mục bảo tồn, nhưng không cho phép người dân tự sửa chữa dù đã xuống cấp nghiêm trọng.
Vì không được phép, không có một ai hướng dẫn, mù mờ về tiêu chuẩn sửa chữa nên hiện đã không ít ngôi biệt thự cũ đã bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài, mục đích và công năng sử dụng.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) cho biết: "Việc bảo tồn biệt thự cổ đang được quan tâm nhưng chưa đúng cách dẫn đến việc bảo tồn nhiều năm qua vẫn chưa đạt hiệu quả. Câu chuyện bảo tồn không chỉ là bảo tồn mỗi công trình biệt thự mà còn là bảo tồn không gian sống. Muốn vậy, phải giảm số người sinh sống trong biệt thự cổ, hỗ trợ và hướng dẫn sửa chữa những nơi xuống cấp theo những tiêu chí nhất định. Nếu tiếp tục buông lỏng vấn đề này, chúng ta sẽ dần mất đi quỹ di sản rất độc đáo của đô thị mà không phải quốc gia nào cũng có được".
Yếu tố bảo tồn rất quan trọng, là một giải pháp để cộng đồng và thế hệ trẻ có thể tiếp xúc với không gian đô thị, giá trị văn hóa, giá trị về kiến trúc vật thể của dân tộc.
Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần chú trọng vấn đề bảo tồn vì trong xu thế đô thị hóa hiện nay, một đô thị hiện đại phải luôn luôn gắn với văn minh, văn hiến. Nếu như trong phát triển đô thị mà chỉ quan tâm đến hiện đại thì đô thị thì sẽ thiếu đi sức cạnh tranh, thiếu bản sắc riêng của đô thị. Khi đô thị có được bản sắc riêng thì đó chính là động lực để phát triển kinh tế.
"Hà Nội là đô thị sở hữu di sản, gồm khu phố cổ, nhiều khu phố thời Pháp thuộc... Cái đẹp của Hà Nội chính trong sự nhuần nhị, hòa quyện giữa khu phố tây và ta, hài hòa với nền cảnh quan thiên nhiên. Di sản trong các đô thị cũng giống như các sinh thể, có đời sống riêng. Vì vậy, chúng ta nên ứng xử đúng đắn với các di sản này. Việc cải tạo, tu bổ biệt thự cổ thành những địa chỉ giao lưu văn hóa của Thủ đô, với nhiều hoạt động quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội là điều đáng làm" - TS-KTS Hoàng Đạo Kính (nguyên Ủy viên Hội đồng di sản Quốc gia) cũng nêu quan điểm.
Biệt thự Hoài Đức tăng giá chóng mặt nhờ hàng tỷ USD đổ vào hạ tầng |
Hà Nội tạm dừng bán biệt thự cũ |
Hà Nội đề xuất bán 600 biệt thự cũ, bán đấu giá hoặc cho thuê biệt thự chuyên dùng |