Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân
Kinh tế 02/09/2021 09:45
Nông dân lỗ vốn khi bán nông sản
Vụ lúa Hè Thu năm 2021, nông dân huyện Tam Nông gieo sạ 30.167ha, đến ngày 30/8/2021 thu hoạch được 28.846 ha, đạt 95,6%. Năng suất bình quân 5,7 - 6 tấn/ha. Giá lúa OM 50404 hạt ngắn từ 5.200 - 5.300đồng/kg, OM 5451 có giá 5.200đồng/kg, OM 18 có giá 5.500 - 5.800đồng/kg… giảm hơn tuần trước từ 500 - 700đồng/kg.Với giá bán này, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi bình quân 15 triệu đồng/ha. Lúa sau thu hoạch đều được tiêu thụ, không để tồn đọng lúa qua đêm tại ruộng.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít nông dân gặt lúa ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, giá lúa giảm, thương lái bỏ cọc, xin giảm giá mới chịu mua nên sau khi bán lúa xong, trừ chi phí thì huề vốn hoặc lỗ, nên nhiều người không bán, đem về sấy khô đưa vào kho dự trữ… Ông Lê Thành Nhân, NCT ở ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông canh tác 10ha lúa giống OM 18. Trước thu hoạch, thương lái đặt mua với giá 6.200đồng/kg. Thời điểm thu hoạch ngay khi dịch Covid-19 vào lúc phức tạp nên thương lái giảm giá xuống dưới 6.000đồng/kg. Ông quyết định chở về nhà sấy khô 70 tấn lúa và đưa vào kho dự trữ. Ông cho biết: “Nếu chịu bán cho thương lái với giá 5.700 đồng/kg lúa thì với 70 tấn lúa tôi bị lỗ trên 35 triệu đồng”.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở Tam Nông |
Đối với việc nuôi lươn nông dân càng khó khăn hơn. Ông Phan Văn Luống, NCT ở ấp Phú Điền, xã Phú Thành A nuôi 12 bồn, với trên 4.000 con lươn. Sau 8 tháng chăm sóc, đàn lươn đạt trọng lượng từ 150 - 200gram/con, đang vào thời điểm xuất bán, nhưng giá quá thấp và cũng không có người mua. Ông buồn bã bày tỏ: “Năm ngoái, vào thời điểm này giá lươn thương phẩm dao động từ 200.000 đồng/kg trở lên. Hay mấy tháng trước đây, giá lươn cũng ở mức 180.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại. Nhưng, hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá lươn giảm xuống dưới mức 150.000 đồng/kg mà cũng không thấy thương lái tới hỏi mua. Với số lươn hiện có của gia đình nếu bán được cũng sẽ lỗ hơn 50 triệu đồng…”
Nông dân huyện Tam Nông trong đó có NCT hiện đang nuôi hơn 450ha thủy sản. Trong đó, có trên 143ha cá tra, 231ha tôm thẻ, 1,7ha tôm càng xanh, gần 30ha cá chạch lấu, cá diêu hồng, cá sặc và cá thác lác, 1,18ha lươn… Về hoa màu vụ Hè Thu năm 2021, nông dân đã thu hoạch trên 315/360ha, đạt 87,5% gồm các loại củ kiệu, khoai môn, bắp, ớt, rau, dưa, chanh, thanh long… Số nông sản trên diện tích còn lại, hiện khó tiêu thụ, bởi nếu bán giá thấp hoặc không bán để nuôi thêm thì đều lỗ vốn.
Ông Phan Văn Luống bên bồn nuôi lươn |
Chính quyền và nông dân chung tay tháo gỡ
Ông Nguyễn Anh Tàu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua, UBND huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản có 15 thành viên hoạt động hằng ngày trên địa bàn huyện.
Tổ đã hỗ trợ tiêu thụ 410 tấn củ kiệu tươi và đang thỏa thuận với thương lái về giá cả, phương thức thu mua và thời gian thu hoạch 370 tấn kiệu còn lại. Về tôm thẻ, tổ hỗ trợ tiêu thụ được trên 140 tấn, còn gần 146 tấn tôm đang tiếp tục kết nối với thương lái để tiêu thụ. Các loại nông sản khác như: Thanh long, dưa, bắp, khoai môn, chanh, cá chạch lấu, lươn… huyện đã đăng kí về các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp tỉnh để đăng tải lên sàn giao dịch hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho nông dân.
Ngoài ra, các đội Shipper áo xanh trong huyện cũng hỗ trợ tiêu thụ 1,1 tấn khoai cao, 2,2 tấn dưa leo, 1,7 tấn bắp, 100kg chanh, 500kg thanh long, 2.000 trứng vịt cùng nhiều tấn rau, củ, quả, tôm, cá, lươn...
Về phía người nông dân thì mô hình “Gian hàng kí gửi các loại nông sản” của Hội Nông dân xã Phú Thành B được thành lập và hoạt động từ ngày 28/7/2021 cũng rất hiệu quả. Tuy giá bán các loại nông, thuỷ sản thấp hơn so với giá bán ở chợ, nhưng đến nay mô hình này tiếp nhận kí gửi và liên kết tiêu thụ được 7 tấn rau, củ, quả các loại và 45 con gà, 590kg tôm thẻ, 1.600 trứng vịt… Ngoài ra còn hỗ trợ liên kết tiêu thụ cho người nuôi trên 10 tấn tôm thẻ các loại, với giá bán 60.000đồng/kg (cỡ 100 con/kg) và hỗ trợ miễn phí 1.000 trứng vịt cho hội viên nông dân có gia cảnh khó khăn.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, sản xuất và đời sống người nông dân, trong đó có nhiều NCT gặp khó khăn. Bằng sự nỗ lực hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể các cấp và sự chủ động vươn lên của người nông dân, tình hình ít nhiều có sự cải thiện.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì người nông dân và NCT đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực và các giải pháp có tính vĩ mô, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản và chuẩn bị cây con giống, vật tư sản xuất vụ tiếp theo.