Thanh Hoá: Đại dịch COVID-19 như một phép thử cho ngành du lịch
Du lịch 27/01/2023 09:39
Do đại dịch Covid-19, năm 2019, 2020, 2021, ngành du lịch nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Bước sang năm 2022 bức tranh ấy ở Thanh Hoá vẫn chưa tươi sáng, khi đỉnh dịch tại địa phương này rơi vào quý đầu năm 2022, làm cản trở rất nhiều đến mục tiêu phát triển du lịch đã đề ra. Nhưng cuối tháng 3 khi dịch bắt đầu thoái triển, mọi ngành nghề bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, Thanh Hoá tập trung đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Ngành du lịch trong tỉnh bắt đầu chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để bù lấp vào khoảng trống do dịch bệnh gây ra; tăng cường liên kết, hình thành các liên minh kích cầu du lịch; kiến tạo một môi trường du lịch “xanh”, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn…
Thác Mây (huyện Thạch Thành) thu hút đông đảo khách du lịch trong năm 2022 |
Với những nỗ lực, cách làm hay, kiến tạo, cuối năm 2022 du lịch Thanh Hóa đạt được kết quả khả quan. Theo đó, toàn tỉnh đón trên 11 triệu lượt khách, tăng gấp 3,22 lần so với năm 2021, đạt 110,1% kế hoạch; tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch.
Riêng thành phố biển Sầm Sơn đã đón lượng khách kỷ lục hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm 2022. Có được kết quả này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đánh giá, đối với các sản phẩm du lịch biển, việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.
Ngoài ra, Thanh Hoá xác định gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa,dân tộc. Theo đó, cùng với Du lịch biển, du lịch di sản văn hóa, tâm linh thì du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình mũi nhọn được tỉnh quan tâm đầu tư. Trong đó phải kể đến “trung tâm” du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước). Năm 2022, tất cả các kỳ nghỉ lễ và dịp cuối tuần, đây là khu du lịch duy nhất của tỉnh luôn đạt 100% công suất phòng lưu trú.
Du khách thích thú với loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm |
Ông Cao Kim Kiên, chủ kinh doanh du lịch Pù Luông Natura, cho biết: “Phương châm kinh doanh của doanh nghiệp là sản phẩm du lịch phải tốt hơn ngoài mong đợi để mang đến sự ngạc nhiên, vui vẻ và thoải mái cho khách hàng. Tham quan du lịch mang đến cho du khách những giá trị về tinh thần, cảm xúc, sự trải nghiệm chứ không chỉ là món quà vật chất. Là người làm và yêu du lịch hơn cả bản thân mình tôi nhận thấy việc phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch là yêu cầu bức thiết khi dịch bệnh được khống chế.”
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, năm 2022, ông Kiên đã đầu tư thêm 1 trang trại thiên nhiên rộng 1,5 ha với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trang trại nuôi những động vật có thể tương tác được với người như nhím, ngỗng, dê, thỏ, lợn rừng,… cùng với đó, ông đầu tư 500 triệu đồng để làm hệ thống xử lý nước thải vi sinh, giúp nước thải ra môi trường không màu, không mùi. Công trình đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của khách du lịch.
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá - ông Phạm Nguyên Hồng cho biết: Đại dịch COVID-19 như một phép thử cho ngành du lịch. Nhìn nhận một cách khách quan thì đây cũng là dịp để biến “nguy” thành “cơ”, là cơ hội để cơ cấu lại ngành du lịch. Theo đó, ngành du lịch đã chú trọng đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến. Cụ thể, ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, quảng bá, như: Thí điểm ứng dụng triển khai số hóa với tính năng dẫn đường và chỉ dẫn hiện vật cho khách tham quan tại khu, điểm du lịch bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường tại 8 khu, điểm du lịch: Lam Kinh (Thọ Xuân), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), Pù Luông (Bá Thước), thác Mây (Thạch Thành), bản Mạ (Thường Xuân), đền Sòng (Bỉm Sơn); thắng cảnh Tiên Sơn (Vĩnh Lộc); đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại Lam Kinh, Thành Nhà Hồ.
“Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh chủ trương ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2027, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hóa cất cánh. Trước thời cơ mới, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.”, ông Phạm Nguyên Hồng nhấn mạnh.