“Tay kìm tay tuốc” đưa 3 con vào đại học
Tuổi cao gương sáng 05/11/2021 08:45
Tâm sự với chúng tôi, bà Bốn cho hay, cách đây hơn 10 năm, trong nhà có một số đồ dùng như: Quạt máy, nồi cơm điện bị hư hỏng, lúc đó các cơ sở sửa chữa đồ điện dân dụng rất ít và ở khá xa nên bà mang những đồ “phế thải” đó tháo ra mày mò, nghiên cứu, sửa chữa… Có thứ “mò mẫm” đúng chỗ nên cũng có chút thành công, nhưng không ít vật dụng thì trở thành “phế liệu”. Sẵn lòng đam mê, khám phá, bà bỏ tiền thuê “sư phụ” đến nhà dạy sửa chữa các đồ điện dân dụng. Sau khi thành nghề, bà thuê nhà mở cửa hàng sửa chữa đồ điện dân dụng.
Bà Bốn tâm sự: “Trước thời gian dịch Covid, nghề sửa đồ điện cũng cho thu nhập bình quân khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên, nghề này đòi hỏi người làm phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và có uy tín, trách nhiệm với khách hàng; phải trả “đồ sửa” đúng giờ cho khách và sửa làm sao để khách hàng an tâm, tin tưởng về chất lượng. Chỉ cần sửa một đồ dùng không cẩn thận cho khách hàng sẽ mất ngay thương hiệu gây dựng hơn 10 năm qua. Vậy nên bà thường dạy các “đệ tử” làm nghề gì cũng cần có cái “tâm”, có vậy mới bền vững và được khách hàng tín nhiệm.
Khách hàng và chị Bốn tuân thủ áp dụng “5K” của Bộ Y tế nhằm phòng và chống dịch Covid 19. |
“Ngày nay, xã hội phát triển, các vật dụng gia đình cũng ngày một đa dạng và hiện đại hơn, để sửa chữa được chúng tôi phải chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm trên sách, báo; mạng Internet mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Từ chỗ các quạt điện, mô tơ, nồi cơm điện bình thường, nay các đồ vật có tính năng cao hơn chúng tôi đều có thể sửa chữa được. Cộng thêm sự nhiệt tình, giá cả phải chăng nên ngày càng có đông người đưa đồ đến sửa chữa. Không chỉ sửa chữa, còn có rất nhiều người đến xin học nghề. Tính đến nay, chúng tôi đã “truyền nghề” cho nhiều học trò, không ít em đã ra làm riêng có thu nhập ổn định….”, bà Bốn tâm sự.
Trong lúc ngồi chờ lấy quạt máy, tôi thấy khách hàng mang những vật dụng như nồi cơm điện, dây cắm, ấm nấu nước siêu tốc… đến sửa khá đông. Đối với những đồ dùng đầu tư công sức ít hoặc thay cho vài con ốc vít bà không lấy tiền. Với tôi, khi mang tới sửa 2 cái quạt máy bị hư, trong bụng nghĩ thế nào cũng trả ít nhất là 200.000 đồng cho 2 cái. Song bà chỉ nhận 150.000 đồng để sửa và thay “phụ tùng” cho 2 cái quạt máy.
Lấm lem dầu mỡ, bà và các thợ luôn chân luôn tay với các công việc như lắp mạch, quấn dây, đục kim loại, khoan, cắt, cưa, hàn, tạo ren… Trong khi khách hàng các nơi mang các đồ điện bị hỏng đến cửa hàng để sửa khá đông, nhưng cả chủ và khách hàng đều đeo khẩu trang, áp dụng khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Do sửa chữa có uy tín, giá cả phải chăng nên không chỉ có khách hàng ở địa phương và các phường lân cận, có người ở tận huyện Hòa Vang xa xôi cũng mang đồ về đây để sửa.
Nhờ vậy mà một phụ nữ đơn thân như bà đã nuôi 3 con vào đại học, trong đó 2 người con có công ăn việc làm ổn định và 1 người đang học năm thứ 2 đại học.