Tấm lòng nhân ái của Ni trưởng Thích nữ Như Hiền
Vì Người cao tuổi 21/10/2022 13:36
Ni trưởng Thích nữ Như Hiền (bên trái) trò chuyện cùng Trưởng BĐD Hội NCT quận Hai Bà Trưng Ngô Thị Ngọc Bích |
Tấm lòng của Ni trưởng cùng các phật tử nhà chùa là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp người bệnh vượt lên bệnh tật, giúp người nghèo thêm ấm lòng mỗi khi Tết đến Xuân về, giúp cho người nghèo và những gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống…
Khoan nói đến những chuyến đi xa thật xa đến với đồng bào nghèo tại các tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu vùng xa, thậm chí tặng quà người nghèo của nước bạn Lào… Bởi suốt dọc dài đất nước, các tỉnh từ miền Trung trở ra đến vùng Tây Bắc, hầu như đâu cũng in dấu chân thầy cùng đoàn từ thiện. Năm nhiều thì 7 - 8 chuyến, ít thì 1 - 2 chuyến, chuyến nào cũng thật ấn tượng, đong đầy cảm xúc và yêu thương. Những cái tên Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi cứ ngày một dày lên trong nhật kí thiện nguyện của đoàn.
Ni trưởng Thích nữ Như Hiền cùng lãnh đạo Hội NCT quận Hai Bà Trưng và phường Thanh Nhàn |
Mới đây thôi, nhân dịp Ngày NCT, Ngày truyền thống NCT Việt Nam (6/6) và Ngày Quốc tế NCT (1/10), “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” năm 2022, Ni trưởng cùng các tăng ni, phật tử đã dành gần 100 suất quà cho NCT của phường Thanh Nhàn, nơi nhà chùa đứng chân. Trong đó 15 suất cho Chi hội NCT khu dân cư và 60 suất dành cho Hội NCT phường. Ông Nguyễn Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hội NCT phường Thanh Nhàn, cho biết: “Hội NCT rất trân trọng, ghi nhận tấm lòng của Ni trưởng cùng nhà chùa trong hoạt động chăm sóc NCT ở địa bàn dân cư. Hằng năm, vào các dịp lễ tết, ngày kỉ niệm của NCT, nhà chùa đều tặng quà hoặc tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hội viên”.
Còn bếp ăn từ thiện do Ni trưởng chủ trì đã quen thuộc với cán bộ, nhân viên, y bác sĩ và bệnh nhân các bệnh viện K từ hàng chục năm nay. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng hay giông bão thì hàng trăm suất cơm, cháo vẫn đến kịp thời, làm ấm lòng bệnh nhân nghèo và gia đình của họ. Mỗi suất ăn chỉ khoảng vài chục nghìn đồng nhưng đã kịp thời chia sẻ khó khăn, hỗ trợ bệnh nhân nghèo từ các vùng miền xa xôi về Thủ đô chữa trị căn bệnh hiểm nghèo. Thật trân quý biết bao!
Ni trưởng Thích nữ Như Hiền tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn |
Ni trưởng Thích nữ Như Hiền cho biết: “Để có 550 suất cơm và 700 suất cháo ngon sạch hỗ trợ bệnh nhân nghèo Bệnh viện K, mỗi ngày nhà chùa dùng gần 84kg gạo, 150kg rau, ngoài ra còn thức ăn mặn thịt trứng, cá, giò, chả, lạc luân phiên hằng ngày, chưa kể gia vị nấu nướng như nước mắm, muối, bột canh, bột ngọt, đường”. Hằng ngày, từ 5 giờ sáng, các phật tử đã tập trung tại chùa, người nhặt rau rửa củ, người vo gạo nấu cơm, người đứng bếp xào nấu, chuẩn bị hộp, túi. Riêng nồi cháo ngon phục vụ bệnh nhân ăn sáng, người nấu cháo phải bắt đầu nhóm bếp từ 3 giờ sáng. Không khí rất khẩn trương, tất bật. Nhà chùa phối hợp với bệnh viện nên khi phát cơm cháo đều đến tận tay bệnh nhân nghèo theo phiếu đã được bác sĩ phê duyệt, luôn bảo đảm dinh dưỡng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Phi Vân Hà, 74 tuổi, ở xã Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai chia sẻ: “Được làm việc thiện ở đây là niềm vui của tuổi già. Chúng tôi không có tiền thì chúng tôi góp công, giúp người nghèo. Vì là việc thiện nên ai bố trí được thì đến giúp, phát tâm công đức từ chính những việc làm rất đời thường của mình”.
Tặng quà đồng bào miền núi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt |
Chùa Linh Sơn Thanh Nhàn còn là điểm khám chữa bệnh từ thiện, mỗi năm khám chữa bệnh miễn phí cho gần 1.000 NCT, cựu thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Vận động nguồn lực xóa nhà tạm cho nhiều người nghèo và tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hưởng ứng “Tháng vì người nghèo” hằng năm.
Tôi hỏi: “Xuất phát từ đâu mà thầy làm được nhiều việc thiện như thế?”. Ni trưởng tiếp lời: “Giáo lí nhà Phật dạy rồi từ bi, ban vui, cứu khổ cứu nạn. Thấy người khổ nạn giúp họ thì mình vui mà họ cũng bớt khổ. Lấy tâm làm phúc là hạnh phúc của người tu hành”.
Tổ y tế của nhà chùa khám, chữa bệnh cho người nghèo tại tỉnh Điện Biên |
“Vậy kinh phí lấy từ đâu, thưa thầy?”. “Từ chính những nhà hảo tâm xung quanh ta”, thầy chậm rãi trả lời. Rồi thầy cho tôi xem cuốn sổ ghi rõ ràng, rành mạch họ tên, địa chỉ các nhà hảo tâm công đức đã chung tay cùng nhà chùa làm việc thiện. Người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít, ai không có tiền, vật chất thì góp công góp sức. Vì thế mà hằng ngày, có rất nhiều người chở gạo, mang tiền chung tay cùng nhà chùa làm việc thiện. Không chỉ có người cao tuổi, trung tuổi, nhiều học sinh, sinh viên cũng dành ngày nghỉ đến nấu cơm cùng các phật tử.
Trong gian bếp nhà chùa còn trang trọng treo dòng chữ: “Tích ngọc, tích châu, tích bạc vàng của cải rồi cũng phải tiêu tan/ Ai mà tích được nhiều nhân đức, ấy thế giàu sang”. Vâng, Ni trưởng Thích nữ Như Hiền và nhà chùa muốn gửi thông điệp về sự sẻ chia, giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của người Việt ta.