Số ca mắc cúm A ở Hà Nội tăng đột biến
Y tế 19/07/2022 11:13
Thăm khám cho bệnh nhi điều trị cúm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hà Nội mới |
Trong số các trường hợp phải nhập viện, có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, một số ca còn phải thở ô xy, chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo)…Điều nguy hiểm là đã ghi nhận một số trường hợp sau khi mắc cúm A từ 3 đến 5 ngày thì có các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương, viêm não, vào viện trong tình trạng co giật, lơ mơ...
Đặc biệt, không chỉ trẻ em mà cả người lớn mắc cúm phải nhập viện cũng gia tăng. Chỉ trong 1 tuần qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm virus cúm, một số là phụ nữ mang thai. Đa số bệnh nhân đến khám có biểu hiện nhiễm trùng ở đường hô hấp trên với các triệu chứng: Sốt cao, đau mỏi, đau họng, hắt hơi, sổ mũi, thậm chí viêm phổi.
Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nguy hiểm cho thai nhi.
Thông thường, virus cúm phát triển mạnh vào mùa đông - xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm và ít xuất hiện vào mùa hè, vì thời tiết khô nóng. Lý giải nguyên nhân bệnh cúm A gia tăng trái mùa, các bác sĩ đều cho rằng, có thể do thời tiết biến đổi thất thường, người dân đi du lịch, giao thương nhiều, nhất là nhiều người lơ là không tiêm vaccine.
Bác sĩ Thư lưu ý, đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai có thể nhiễm cúm ở các thời điểm trong năm. Để phòng tránh, mọi người cần đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nâng cao sức đề kháng và đặc biệt là tiêm phòng cúm hằng năm.
Theo các bác sĩ, hiện nay, đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa của Bộ Y tế, bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể, phác đồ cũng hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúng mùa có biến chứng.
Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng....
Lưu ý, các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định, cha mẹ không được tự ý sử dụng.
Cúm A và COVID-19, sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nên khi có dấu hiệu sốt, người dân nên đi khám sớm, sử dụng thuốc điều trị kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng đáng tiếc. |
Cảnh giác bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue ở Miền Bắc Các chuyên gia Y tế cảnh báo: Người bệnh mắc chủng này sẽ dễ đi vào những biến chứng nặng, tổn thương đa cơ quan, ... |
Bộ Công an: Tâm lý ông Nguyễn Thanh Long ổn định Chiều 30/6, Bộ Công an tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ sáu tháng ... |
WHO cho rằng bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa phải là trường hợp khẩn cấp y tế toàn cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, bệnh đậu mùa khỉ hiện nay chưa phải là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công ... |