Quán vỉa hè
Tin tức 17/08/2018 14:50
Có lần tôi nhận xét:
- Điểm này mà kinh doanh mặt hàng khác sẽ tốt hơn.
Bà thủng thẳng:
- Tôi mở quán không phải vì tiền.
- Cháu không hiểu.
- Tôi cũng chẳng hiểu nữa là cậu. Thì cứ coi việc tôi mở quán cho thiên hạ có chỗ hóng hớt được không. Từ trước đến nay chưa có ai dám coi thường cái quán vỉa hè này đâu. Nghề gia truyền đấy! Nhà tôi đã ba đời bán nước.
Tôi gãi đầu:
- Bác lại đổ oan cho cháu rồi. Cháu nào dám có ý coi thường quán của bác. Mà sao bác bảo cháu hóng hớt?
Bà nhỏ nhẹ:
- Này nhớ, gần một tháng nay mưa nắng không ngày nào cậu vắng mặt, ngồi một chỗ cố định đến bã chè trong bình nát nhũn như tương bần mới chịu đứng dậy. Thấy thiên hạ bàn chuyện, biết mười mươi cũng chỉ lặng im. Không bao giờ bước chân vào các quán điểm tâm bên cạnh, nhưng gặp người quen mời lại nói ăn rồi. Nhiều hôm chưa có gì vào bụng mà mồm cũng ngậm tăm. Chắc sợ buột miệng nói những lời không hay nên ngậm tăm làm phanh đây.
- Sao bác biết?
- Bí quyết này có được do gần hết đời bán nước, tiếp xúc với đủ hạng người, nghe mọi thứ chuyện của bàn dân thiên hạ - Bà nhìn tôi tủm tỉm - Mà này, từ hôm nay tôi sẽ tính thêm cả cái khoản tiền tăm nữa.
Tôi hì hì:
- Bác keo thế. Vậy cháu lấy đâu ra tiền để cưới vợ đây.
- Thì để cho vợ nó cưới mình.
- Thế bác làm mối cho cháu nhé. Lấy vợ xong cháu sẽ cho cô ấy đến đây phụ bác bán hàng.
- Tôi chẳng dại. Để rồi, tiếp theo là tiện thể u coi cháu hộ chúng con nhé.
Tôi vò đầu, gãi tai ra vẻ khổ sở:
- Cháu lại bị bác bóc mẽ rồi.
Quán nước của bà nhiều khi ồn ào như chợ vỡ, lúc yên tĩnh lặng đến mức nghe thấy cả tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường. Bà dành cho tôi một đặc quyền, được ngồi bên trong nhà. Bà thường nói với tôi những câu chẳng đâu vào đâu. Bà hỏi nhưng không cần câu trả lời, nói xong giải thích luôn. Nhiều lần tôi phải chắp mối mãi mới hiểu vấn đề bà trao đổi. Tôi thường bị bà bắt bài mỗi khi tham gia hóng hớt. Những lúc như vậy, tôi tìm cách đánh trống lảng: “Bác làm nghề thầy cãi mới đúng”. Vậy mà nhiều lúc kiểm nghiệm lại thông tin bà cung cấp, tôi không khỏi giật mình.
Buổi sáng bà phán:
- Hôm nay tòa phúc thẩm xử. Nhưng vẫn y án!
- Bác đang nói vụ nào vậy?
- Thời buổi bây giờ buồn cười thật. Kẹp chết chó cũng mang ra toà xử.
Tôi tròn mắt kinh ngạc:
- Có việc như vậy sao?
Minh họa Lão Trần
Bà thở dài:
- Thế mới có chuyện mà nói. Thế thái nhân tình đảo điên mất rồi! Thật chẳng may cho những ai va phải những gì liên quan đến nhà sếp. Chó chết, cô chủ khóc sưng cả mắt. Thảo nào hôm đó có người định xin mang về làm thịt, bị mắng té tát. Cô nói với sếp đi cùng, phải làm đám tang cho chó thật to. Cô ấy nức nở như trẻ con, sau sếp hứa tìm cho một con giống hệt mới nín.
- À! Có phải cái con chó Nhật bé tí, liếm giày của cháu hồi nọ phải không? Chủ của nó là cái cô chân dài tới nách, ăn diện như người mẫu chứ gì. Cháu tưởng vụ này mọi người đã thoả thuận xong việc đền bù.
- Đúng nó đấy! Hôm ấy cậu cũng buồn cười thật. Tự dưng lại gây chuyện với sếp. Của đáng tội con chó đẹp thật, cô chủ quý nó lắm - Bà chép miệng nói tiếp - Chỉ khổ cho ông xe ôm, có cái Uây Tàu gạ bán mãi, người mua thông cảm cho hoàn cảnh mới trả hơn ba triệu. Căn nhà nát có bán được cũng chẳng đủ tiền bên nguyên yêu cầu. Mà mất nhà rồi, lấy đâu chỗ cho gia đình tá túc đây. Hoàn cảnh ông ta nát lắm, bà vợ ốm liệt giường. Có mỗi đứa con lại bị di chứng chất độc da cam từ bố, trông tội tội là, không còn ra hình hài một con người nữa. Người bị tai nạn lao động chết, cơ quan nhà nước đền bù tất tật cũng chỉ được có vài chục triệu đồng. Vậy mà một con chó chết, bắt người ta phải bồi thường số tiền lớn quá thể. Trời đất quỷ thần ơi! Chó gì mà đòi nhiều tiền thế?
Tôi an ủi bà:
- Bác cứ yên tâm, toà án cấp cao toàn những người có trình độ, rất am hiểu pháp luật, khi xử bao giờ cũng căn cứ cả lí lẫn tình.
Theo sự phân công của trường, tôi phải xuống cơ sở hai giảng dạy. Mọi khi những công việc như thế này chẳng bao giờ đến lân. Lần này do lịch học đã được công bố, song người đảm đương lại có suất đi hội thảo ở nước ngoài, giảng viên trong khoa không còn, lãnh đạo đành cử tôi thế chân. Thấy tôi nhận quyết định với tâm trạng dửng dưng, không vui. Phó khoa động viên: “Mình biết cậu đã có chương trình riêng, phải tạm gác lại những dự định. Song đây là công việc chung, vì uy tín của trường ta không thể huỷ bỏ lịch học được…”.
Xuống đến nơi tôi mới biết, tại đây người ta liên kết với rất nhiều trường đại học, mở các lớp tại chức với đầy đủ chuyên ngành theo nhu cầu của địa phương. Lịch học của lớp tôi chịu trách nhiệm giảng dạy, được bắt đầu từ năm giờ chiều. Thế là tôi có thời gian nhàn rỗi, thoải mái lang thang theo ý muốn.
Thường thì tôi không muốn dây vào chuyện của thiên hạ. Song việc để chó liếm giày là do tôi chủ động hoàn toàn. Hôm ấy quán rất đông người, bà chủ phải huy động hết chồng ghế nhựa con dự phòng, vậy mà vẫn không đủ chỗ ngồi cho khách. Chẳng ai để ý đến một cặp ngồi chềnh ềnh chiếm hết chiều ngang của cái bàn nước. Trước mặt là hai chén trà xít nguội ngắt. Người đàn ông quay sang thằng bé đánh giày đang ngồi phía bên kia lề đường giục:
- Sao lâu thế?
Thằng bé chừng trên mười tuổi, mặc cái áo phông rộng thùng thình, đang đưa chiếc giày lên ngang mặt kiểm tra độ bóng, vội vã trả lời:
Quán vỉa hè
(Tiếp theo trang 7)
- Dạ, xong rồi ạ!
Nó lon ton cầm hai đôi giày một nam, một nữ vội chạy sang đưa cho người vừa gọi. Người đàn ông săm soi ngược xuôi từng chiếc, lấy ngón tay quệt vào mũi giày phán:
- Tàm tạm.
Thằng bé ngửa tay:
- Chú cho cháu xin tiền.
- Giày của tao to, đúng giá mười nghìn. Đôi của cô nhỏ, năm nghìn thôi.
Thằng bé cười:
- Chú cứ đùa.
Người đàn ông nghiêm mặt, nói sẵng:
- Ôn con, láo. Ai đùa với mày.
Nói xong ông ta rút ví lục tìm lấy mấy đồng tiền lẻ nhàu nát đưa cho thằng bé đánh giày. Nhận tiền xong nó vẫn chìa tay:
- Vẫn thiếu chú ạ.
- Có thế thôi, trong ví của tao còn toàn tờ năm trăm nghìn.
Thấy người đàn ông xua tay, thằng bé đánh giày phụng phịu quay người định bỏ đi, bất chợt bị kéo giật lại. Cô gái đi cùng người đàn ông gắt gỏng:
- Thằng kia, mày làm hỏng giày của tao rồi.
Cậu bé đánh giày tái mặt:
- Cháu có làm gì đâu mà hỏng?
- Đôi giày của tao mới mua hơn chục triệu. Chỉ được đánh si bên ngoài, sao mày quệt dây cả vào mép trong.
- Ở đấy cũng cùng loại da, màu sắc giống hệt bên ngoài, trước cũng đã được đánh si. Vừa rồi cháu chỉ xoa lại sạch bụi bẩn!
- Mày chỉ giỏi lí sự! Sao mày dám dùng giẻ bẩn lau vào tận bên trong?
Người đàn ông trừng mắt mắng thằng bé:
- Thằng này láo, láo quá rồi đấy. Dám cãi nhau với cả người lớn, chẳng coi ai ra gì cả - Ông ta rút khăn mùi xoa lau mép giày cho cô gái. Rất nhanh ông quay sang thằng bé đánh giày, giật phắt mấy đồng tiền lẻ vừa trao - Phạt.
Thằng bé ngạc nhiên, mếu máo:
- Chú, cho cháu xin.
Thấy nhiều cặp mắt chĩa vào mình, người đàn ông hạ giọng:
- Thôi thì tao thương, trả tiền một đôi. Mày lặn đi cho nước nó trong.
Tôi cố len ngồi cạnh cô gái, tưng tửng nói:
- Cho nhờ một tẹo.
Cô gái nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu, ngồi nhích về phía người đàn ông. Có tiếng gầm gừ phát ra từ dưới gầm ghế, một chú chó đang nép bên trong váy bị chủ kéo theo tỏ thái độ không đồng tình khi bị xê dịch. Tiếng còi trong cái ấm đặt trên cái bếp than tổ ong bất chợt rú, bà chủ quán vội đặt bát phở ăn dở xuống bàn, cầm lót tay nhấc ấm rót nước vào phích. Tôi liếc cô gái, nhìn con chó nảy ý định. Tôi vươn tay, múc một thìa nước dùng trong bát phở của bà chủ quán đổ xuống mũi giày của mình. Cô gái tròn mắt nhìn tôi, mũi chú chó phập phồng, nó nhổm dậy đưa lưỡi liếm vệt nước phở tôi vừa cố tình đổ ra giày, miệng tóp tép tỏ vẻ thích thú. Cô gái kéo sợi dây xích mắng:
- Ly Ly hư nào!
Cô càng kéo, con chó càng gầm gừ cố sức lăn xả vào liếm. Nhìn mũi giày bóng nhẫy, tôi bâng quơ:
- Bóng quá. Vậy mà mình chẳng nghĩ ra. Bận sau không muốn mất tiền đánh giày cứ đổ đồ ăn thừa vào cho chó nó liếm.
Cô gái đỏ mặt:
- Vô duyên.
Người đàn ông quay sang trừng mắt nhìn. Tôi tỉnh bơ hắt chén nước đang uống xuống đất, nói với bà chủ quán:
- Cho cháu xin chén khác.
Người đàn ông hạ giọng:
- Chúng tôi đâu có trêu gì anh.
Tốp khách đang uống nước thích thú nhìn chúng tôi tham gia: “Cho tôi xin một thìa nước dùng nào - Anh phải trả cho con chó tiền công liếm giày - Đưa cho ai - Thì đưa cho cô nó đây...”.
Cảm nhận thấy thái độ không đồng tình của đám đông, người đàn ông kéo cô gái đứng dậy:
- Muộn rồi, mình đi thôi.
Bà chủ quán bĩu môi gọi lại:
- Anh, chị chưa trả tiền.
- Bao nhiêu.
- Bốn nghìn hai chén.
Người đàn ông làu bàu:
- Chưa uống cũng đòi tiền.
Một hôm trời mưa, quán đã đóng cửa song tôi không ra về được, tôi hỏi bà chủ quán nạp nhờ điện cho máy. Thấy tôi mở máy vào facebook. Bà chủ quán hỏi:
- Chú chơi điện tử à?
- Không, cháu đang xem facebook.
- Có mất tiền như mua băng đĩa không.
- Không!
- Nhưng lúc nào cũng phải mang theo máy mới xem được thì phiền quá. Tôi thấy mấy đứa nhóc đi chát, quán nào cũng sà vào. Chẳng phải kè kè cái máy bên cạnh như chú.
- Thì cháu đã mất tiền mua máy.
Tôi chuyển sang chế độ quay camera, đặt máy ở các góc độ phù hợp thu toàn cảnh quán trà xít của bà, xong tua lại kiểm tra. Ngó thấy bóng của mình trong màn hình, bà lên tiếng:
- Cái máy của chú hiện đại nhỉ, quay được cả phim nữa. Chỗ tôi bán nước, cậu thu hình làm gì cho tốn công, phí điện.
- Thì cháu quay làm kỉ niệm. Để rồi cháu chọn nhạc, bắn thêm vào. Cháu đã đi nhiều nơi, ngồi uống nước với đủ hạng người, nhưng chỗ này cháu thấy tuyệt vời hơn cả. Cảnh như thế này mà bác còn chê không đẹp.
- Ừ thì đẹp. Nhưng mà quán của người ta đều có biển đề tên cho dễ nhớ. Mấy hôm nữa đi nơi khác, chắc cậu lại xoá ngay. Mà nếu sao được vào đĩa, cậu làm cho tôi một cái.
- Hay quá, ý bác hay quá. Cháu sẽ làm cho quán của bác một cái bảng hiệu không lẫn vào đâu được. Bảo đảm ai ghé vào một lần cũng phải nhớ suốt.
Bà tủm tỉm:
- Tên gì mà gớm thế.
Tôi say sưa:
- Cháu sẽ đặt tên là Quán Vỉa Hè.
Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương