Quan tâm thực hiện quyền việc làm của người lao động cao tuổi
Kinh tế 26/04/2018 09:19
NCT là lực lượng lao động quý giá
Lao động cao tuổi làm việc ở khu vực chính thức là những nhà khoa học, nghiên cứu, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; công chức, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành có kí kết hợp đồng làm chuyên gia, cố vấn, công tác chuyên trách…; học vấn cao, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Thực tế hiện nay, người lao động ở độ tuổi 65, 70, 75 thậm chí trên 80 vẫn còn sức khỏe, trí tuệ, nhiệt huyết, làm việc không ngừng nghỉ; vẫn nghiên cứu, tạo ra sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị cao; đề xuất, tư vấn chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội, khoa học kĩ thuật... Họ có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến, tham gia các hoạt động xã hội nhằm thỏa mãn đam mê, nhiệt huyết với ngành nghề đã chọn; là lực lượng lao động quý giá có đóng góp to lớn cho gia đình, xã hội và phát triển đất nước.
Hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhiều NCT đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Cả nước có hàng trăm nghìn NCT đang làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo nhiều việc làm, thu nhập cho con cháu trong gia đình, dòng họ và xã hội. Hằng năm có địa phương tôn vinh hàng nghìn NCT làm kinh tế giỏi.
Hiện ở khu vực nông thôn có 66%, khu vực thành thị 30% NCT vẫn tham gia lao động, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, việc gia đình không được trả công; một bộ phận NCT giúp việc gia đình như chăm sóc trẻ em, người ốm đau bệnh tật được trả công, nhưng thường không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra còn lực lượng lao động cao tuổi đáng kể khi nghỉ chế độ thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, còn sức khỏe vẫn có nhu cầu việc làm nhằm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống, phụ giúp con cháu…
NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm làm giàu Ảnh Thanh Hà
Còn nhiều rào cản
Tuy vậy, vẫn còn nhiều rào cản trong thực hiện quyền việc làm của người lao động cao tuổi.
Về cơ bản luật pháp, chính sách về lao động, việc làm đã đề cập đến lao động cao tuổi, thường xuyên được các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh nhằm bảo vệ sự bình đẳng, chống phân biệt đối xử vì lí do tuổi tác và quan tâm đến NCT trong quá trình làm việc. Song nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa thấy hết được vị trí, vai trò, tiềm năng to lớn của lao động cao tuổi nước ta. Già hóa dân số là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức khó khăn; nếu Nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư lĩnh vực lao động việc làm, quan tâm đào tạo, nâng cao kĩ năng nghề, lồng ghép hợp lí để NCT tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội thì họ có thể là nguồn lực to lớn phát triển bền vững, ngược lại sẽ là gánh nặng cho xã hội nếu NCT, lực lượng lao động cao tuổi bị loại ra khỏi các chương trình, chính sách lớn về lao động việc làm, đào tạo dạy nghề.
Cho đến nay, về cơ bản các văn bản pháp luật lao động chưa đề cập đến người lao động cao tuổi; văn bản pháp luật quy định: "Ưu đãi về vốn tín dụng đối với NCT trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo", nhưng NCT vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này; các chương trình đào tạo dạy nghề, nâng cao kĩ năng nghề, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước đều không đề cập đến lao động cao tuổi. Do vậy, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động không sẵn sàng nhận NCT vào làm việc; một số đơn vị còn khoanh phạm vi tuyển lao động theo hộ khẩu thường trú, địa bàn đã hạn chế, thậm chí tước đi cơ hội việc làm của những NCT muốn thoát nghèo, muốn chuyển việc làm mới có thu nhập khá hơn. Có những đơn vị không sử dụng đúng loại hợp đồng, hoặc tìm cách né tránh việc kí hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định về việc làm, thu nhập của NCT.
Nhiều NCT vì cuộc sống phải chấp nhận làm nhiều việc khác nhau so với công việc đã thỏa thuận bằng những mệnh lệnh hành chính của người sử dụng lao động; có người sử dụng lao động còn buộc lao động cao tuổi làm việc trái ý muốn của họ.
Có tình trạng này là do nhận thức về pháp luật và quyền con người của chủ sử dụng lao động còn hạn chế, ý thức thực hiện pháp luật lao động chưa cao dẫn đến vi phạm; một phần do công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền của NCT trong lĩnh vực lao động, việc làm chưa được quan tâm; công tác quản lí, thanh tra xử lí vi phạm về quyền của NCT trong lĩnh vực lao động, việc làm còn nhiều hạn chế; việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động cao tuổi của Hội NCT các cấp còn rất hạn chế, thậm chí chưa được quan tâm.
Một số giải pháp để thực hiện quyền việc làm của NCT
Để giải quyết vấn đề trên, trước hết cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, chủ doanh nghiệp và xã hội về các thách thức của già hóa dân số và đời sống của NCT; luật pháp, chính sách của Nhà nước về lao động việc làm, quyền làm việc của NCT; tạo môi trường làm việc thân thiện, chống phân biệt tuổi tác với lao động cao tuổi; không ngừng hoàn thiện chính sách việc làm cho lao động cao tuổi. Chính phủ cần thực hiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thay dần nguồn nhân lực sản xuất hàng gia công giá rẻ, hiệu quả thấp để đối phó với tình trạng suy giảm nguồn nhân lực do già hóa dân số; thúc đẩy tăng năng suất lao động để đối phó với việc suy giảm nguồn nhân lực trẻ sẽ diễn ra trong tương lai.
Thứ hai, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung một số văn bản luật liên quan đến lao động việc làm của NCT; thực hiện cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với NCT, có chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp, chủ sử dụng nhiều lao động cao tuổi; sửa đổi những bất cập, khoảng trống, chưa khớp giữa Luật NCT, Luật Việc làm và Bộ Luật Lao động. Tận dụng nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm. Việc sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc kĩ lưỡng và bảo đảm các yêu cầu cơ bản, giải quyết hài hòa lợi ích người lao động, chủ sử dụng lao động và Nhà nước; bảo đảm bình đẳng giới (sớm xem xét nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên đủ tuổi 60); giải quyết mâu thuẫn giữa xu hướng già hóa dân số và xu hướng trẻ hóa lực lượng lao động của khu vực doanh nghiệp hiện nay và trong tương lai.
Thứ ba, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tham mưu Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, dạy nghề, bổ túc, nâng cao kĩ năng nghề, chuyên môn nghiệp vụ để thích ứng yêu cầu xã hội, cải thiện khả năng làm việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động cao tuổi; sớm bổ sung chức năng nhiệm vụ về giới thiệu việc làm cho NCT ở các trung tâm giới thiệu việc làm; đào tạo dạy nghề, nâng cao kĩ năng nghề cho NCT ở cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tư, thanh tra, kiểm tra xử lí nghiêm minh những cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp vi phạm luật pháp, chính sách về việc làm, quyền việc làm của NCT. Cần quy định các chế tài phù hợp đối với các hành vi xâm phạm quyền việc làm của NCT, bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương.
TS Đàm Hữu Đắc
Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam