Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh
Kinh tế 01/10/2019 09:52
Đã có canh tác nông nghiệp hữu cơ
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước đã có 40 tỉnh, thành có trồng trọt hữu cơ với diện tích đạt khoảng 23,4 nghìn ha. Ở một số địa phương, sản phẩm trồng trọt hữu cơ đã được các tổ chức chứng nhận nước ngoài chứng nhận. Cụ thể, Tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan chứng nhận 383,9 ha chè sản xuất tại tỉnh Lào Cai; 150 ha chè sản xuất tại tỉnh Hà Giang. PSG chứng nhận 54,85 ha rau tại một số tỉnh. Tổ chức chứng nhận Control Union (Hà Lan) cấp chứng nhận HOASUA FOODS cho 317 ha lúa tại tỉnh Cà Mau; 3,69 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Chăn nuôi hữu cơ cũng đang phát triển, với 64,2 nghìn con lợn (heo) cho sản lượng thịt hơi 5,92 nghìn tấn; 273 nghìn con gà cho sản lượng thịt hơi hằng năm 992 tấn thịt gà hữu cơ. Đã có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng có chăn nuôi bò sữa hữu cơ được các tổ chức quốc tế công nhận (Nghệ An 3.000 con, Lâm Đồng 500 con).
Syngenta và AGPPS cam kết cùng nông dân phát triển nông nghiệp bền vững |
Tổng mức tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước hằng năm khoảng 500 tỉ đồng. Các kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là qua hệ thống siêu thị Vinmarx, Saigon Co-op, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Việt Nam đã có gần 20 đơn vị xuất khẩu (XK) các loại rau, quả hữu cơ với sản lượng khoảng 260 nghìn tấn/năm, giá trị gần 15 triệu USD. Ngoài ra, một số hàng thủy sản hữu cơ như tôm, cá tra cũng được khách hàng đánh giá tốt, mua giá cao hơn khoảng 30% thông thường. Tuy nhiên, thủy sản hữu cơ XK đạt giá trị chưa nhiều.
Thực tế hiện nay, hệ thống canh tác NNHC đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới khi áp lực về lương thực giảm đi, trong khi áp lực về an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, phát triển NNHC tại Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Đó là, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển; hệ thống cấp chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh...
Ông Olivier Catrou, Viện Quốc gia về xuất xứ và chất lượng (INAO), Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, năm 2018, EU nhập khẩu 3,258 triệu tấn sản phẩm hữu cơ. EU cũng cung cấp sản phẩm hữu cơ trên phạm vi rộng với tổng 115 quốc gia. Năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 về khối lượng XK nông sản hữu cơ sang châu Âu, với 12.674 tấn. Theo ông Olivier Catrou, thị trường tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đang tăng nhanh. Riêng khu vực Bắc Hoa Kỳ đã đạt 48,7 tỉ USD và châu Âu 39,6 tỉ USD trong năm 2018, hai khu vực này chiếm 90% thị phần toàn cầu.
Sẽ có hàng loạt chính sách hỗ trợ
Trong dự thảo Đề án Phát triển NNHC, Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ chiếm khoảng 1,5-3% trong tổng diện tích canh tác nông nghiệp. Đối với vật nuôi, sản phẩm hữu cơ sẽ chiếm 5-10% sản lượng chăn nuôi. Đối với thủy sản tập trung vào các đối tượng nuôi XK như tôm, cá tra… Đến năm 2025, khoảng 2-3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đến năm 2030, khoảng 7-8% diện tích nuôi trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng thủy sản nuôi trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 500 nghìn tấn. Định hướng thị trường trong nước đối với sản phẩm hữu cơ chiếm khoảng 8-10% tổng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân.
Định hướng đến năm 2030, mỗi năm sẽ XK khoảng 2,5 triệu tấn nông sản hữu cơ. Trong đó khoảng 1,08 triệu tấn gạo, 590 nghìn tấn rau, 65 nghìn tấn quả, 445 nghìn tấn thủy sản, 100 triệu quả trứng gia cầm.
Để đạt mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã đề ra rất nhiều giải pháp. Đó là xây dựng hệ thống chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất hữu cơ như tuyên truyền, quảng bá, tập huấn, xây dựng mô hình mẫu, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, vùng sản xuất hữu cơ. Sẽ có chính sách thuế ưu tiên cho người sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ như hỗ trợ 100% kinh phí xác định khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ (khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí); hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Ưu tiên về vốn vay cho mọi tổ chức cá nhân đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản hữu cơ. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ...