Tổng kết phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng" giai đoạn 2021-2025

Tuổi cao gương sáng 25/02/2025 13:43
Trên vùng cát trắng ven phá Tam Giang, trang trại của ông Phan Lai Đức nổi lên như một ốc đảo xanh ngắt bóng cây. Là mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ cho giá trị kinh tế cao, giúp phủ xanh vùng cát và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi tại vùng cát Quảng Điền. Ông Đức bộc bạch: “Trước đây tôi sống ở trong làng, năm 2000 mới bắt đầu ra đây và phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Lợi thế của vùng đất cát là dù nhìn cằn cỗi nhưng diện tích rộng, nguồn nước lại dồi dào. Tôi cứ suy nghĩ mãi phải làm cách nào để biến vùng cát hoang vu này thành nơi phù hợp để phát triển sinh kế”. Bắt đầu biến suy nghĩ thành hiện thực, ông Đức lựa chọn những loài gia súc, gia cầm thân thuộc và dễ thích nghi nhất. Từ đàn lợn, đàn gà, ông đào thêm cả ao thả cá. Còn với cây trồng, ông lựa chọn những giống cây chịu được đất cát cằn cỗi như xoài, điều, bưởi da xanh. Ông Đức nói: “Vùng đất tuy khá khắc nghiệt nhưng nếu tận dụng được lợi thế của từng hoạt động nuôi trồng, chi phí bỏ ra sẽ giảm, năng suất lại được tăng lên”.
![]() |
Ông Phan Lai Đức tạo nên trang trại nông nghiệp hữu cơ trên vùng đất cát. |
Hiệu quả bước đầu đã chứng minh suy nghĩ của ông Đức là đúng đắn. Đàn gà và lợn phát triển khỏe mạnh, xoài và điều ra trái cho năng suất khá. Cuộc sống dần chuyển biến tốt, thế nhưng ông Đức vẫn chưa muốn dừng lại. Nhạy bén với nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất, không kháng sinh, không chất cấm, ông tăng dần diện tích chăn nuôi và đầu tư, cải tiến hệ thống chuồng nuôi để vừa tốn ít công chăm sóc, vừa giảm chi phí vận hành, từ đó tăng nguồn thu trên vùng cát trắng.
Đến nay, tổng diện tích trang trại chăn nuôi của ông Đức đã rộng hơn 10.000m2 và được chia thành nhiều khu tách biệt nhau. “Trong mỗi khu chăn nuôi, tôi đều đầu tư hệ thống cho ăn và cho uống tự động. Đồng thời lắp đặt hệ thống sưởi làm ấm vào mùa Đông, điều hòa làm mát vào mùa Hè để phòng chống gia súc, gia cầm sốc nhiệt, từ đó giảm các bệnh do thời tiết chuyển mùa”, ông nói.
Với chăn nuôi, dù duy trì đàn lợn với 400 con lợn thịt, 40 lợn nái sinh sản và đàn gà 30.000 con, thế nhưng nhờ dùng vi sinh để lót nền, khử mùi hôi, hệ thống chuồng nuôi vẫn sạch sẽ. Ông Đức chia sẻ thêm: “Ngoài không gây ô nhiễm môi trường, nguồn phân hữu cơ vi sinh còn rất được thị trường ưa chuộng. Từ đó, tôi có thêm phân bón sạch để trồng cây và tăng doanh thu bằng cách bán từ 2 - 3 nghìn bao phân mỗi quý cho các thương lái, với giá 10.000 đồng/bao”.
Mỗi lứa lợn sau 5 tháng sẽ được xuất bán, giá hơi dao động từ 48 - 75 nghìn đồng/kg. Sau nhiều lần cải tạo, khu vực ao cá trên cát được mở rộng lên 4.000m2, mỗi kì, hồ cá với đủ các loại cá thác lác, cá rô, cá chép, cá mè sẽ được xuất bán với sản lượng hàng tấn. Song song với đổi mới công nghệ chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ông Đức còn trồng thêm các loại cây cho giá trị kinh tế như dừa, tràm gió, bưởi da xanh với diện tích hơn 2.000m2. Mỗi năm, nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi mang lại cho ông Đức doanh thu tiền tỉ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, trang trại của ông Đức còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
Ông Hoàng Văn Tấn, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Quảng Điền cho biết: “Bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và cập nhật kịp thời mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ để đạt được hiệu quả cao, ông Đức đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều NCT học hỏi, noi theo với cách phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện nay, mô hình của ông Đức đang được các cấp Hội NCT thành phố Huế dùng làm mô hình điểm để tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho NCT tại địa phương, từ đó tiếp thêm động lực để NCT mạnh dạn phát triển kinh tế”.