Phấn đấu và trưởng thành từ lời dạy của Bác
Tuổi cao gương sáng 20/06/2022 14:58
Năm 1972, do yêu cầu của Cục Tuyên Huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, tôi trở về nước làm phóng viên Chương trình Phát thanh Quân đội. Như vậy là từ một giáo viên dạy văn, sang làm phóng viên “báo nói” không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Nghề này không chỉ viết mà còn phải học cách thu âm, thu phát biểu, chuyển băng, trích băng và nhiều khi nói trước máy. Vạn sự khởi đầu nan, nỗ lực học hỏi đồng nghiệp nên tôi nhanh chóng nhập cuộc…
Năm 1974, tôi được dự lễ kỉ niệm 15 năm ngày thành lập Phát thanh Quân đội. Sau đó, phóng viên đến các đơn vị phản ánh khí thế thi đua huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Tôi nhớ nhất trưa 30/4/1975, có mặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm, viết và thu âm phản ánh không khí vui mừng của toàn dân trong ngày vui toàn thắng. Có bà mẹ xúc động vừa nói, vừa khóc: “30 năm nô lệ, khổ đau, hi sinh, mất mát, mới có ngày hôm nay!”
Bài phóng sự thu thanh được phát ngay trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 21 giờ cùng ngày. Thời điểm này, việc tuyên truyền đời sống xã hội ở các vùng mới giải phóng rất cần thiết. Tôi được cơ quan cử vào TP Hồ Chí Minh, xuống Cần Thơ viết các phóng sự: “Minh Honđa”, “Tai mắt Nhân dân”, “Ngôi nhà bên kia đường”, “Cháu là đứa trẻ mồ côi”, “Bên kia bến Ninh Kiều”, “Xóm Chài Cần Thơ”, khẩn trương gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nhà văn Chi Phan |
Tiếp đó, tôi tới thăm, viết về Sư đoàn 320, từng tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, do Chuẩn tướng Lý Tòng Bá nắm giữ, với đầy đủ phương tiện chiến tranh hiện đại; hệ thống phòng thủ liên hoàn, kiên cố. Sư đoàn phó Chính trị Nguyễn Bổng phải tiếp chuyện phóng viên, ngồi trong màn giữa ban ngày, vì đây đang có dịch sốt xuất huyết, mới cướp đi một chiến sĩ trong đơn vị. Tôi khẩn trương lấy tài liệu, viết phóng sự dài kì về Anh hùng Nguyễn Vi Hợi: “Sóc đường Bảy” và “Những ngày sống với du kích Gia Rai”.
Năm 1978, chiến tranh biên giới phía Tây Nam xảy ra. Còn mấy ngày nữa thì đến Tết Nguyên đán, song Cục trưởng Cục Tuyên huấn ra lệnh cho tôi và phóng viên Cao Minh Việt phải đi ngay vào TP Hồ Chí Minh thường trú để kịp thời tuyên truyền vì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam.
Quân lệnh như sơn. Phải nghiêm chỉnh chấp hành. Chúng tôi đi Tây Ninh, An Giang, Hà Tiên, phản ánh quân dân ta chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lược. Sư đoàn 341 phải cơ động ở hai nơi Tây Ninh và Hà Tiên. Chúng tôi chứng kiến trận Thạch Động, giặc thua đau, phải rút chạy về nước và phản ánh tội ác man rợ của chúng đối với đồng bào ta ở 14 xã trong tỉnh An Giang, đặc biệt là xã Vĩnh Ngươn.
Một cảnh thê lương diễn ra trước mắt chúng tôi, bao trùm lên địa phương có hơn 2.000 dân này. Nhà cửa bị cháy hoặc bị phá phách tan hoang. Bà con bị địch tàn sát theo nhiều cách khác nhau. Những em bé một, hai tuổi, bọn chúng xách ngược, quật vào gốc cây đến nát thân thể. Với phụ nữ, giặc lột quần áo, hãm hiếp rồi chặt chân tay quăng xuống kênh rạch… Máu đồng bào Vĩnh Ngươn đã chảy thành vũng trên đường làng, ngõ xóm. Đâu đâu cũng vang lên tiếng thét căm hờn bọn Pôn Pốt; tiếng khóc tức tưởi, thảm thiết của người dân Vĩnh Ngươn. Hương khói nghi ngút cả một vùng biên giới…
Chúng tôi, trong đó có nhiều nhà báo nước ngoài đến viếng những nạn nhân. Ai nấy mắt đỏ hoe, lặng lẽ ghi âm, ghi hình, lấy tài liệu để cùng tố cáo tội ác man rợ của bọn Pôn Pốt trước công luận trong nước và thế giới.
Những ngày sống ở Trung đoàn U Minh thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9 đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về tinh thần dũng cảm chiến đấu của bộ đội, tạo nên tư thế chiến thắng của các chiến sĩ trên những chốt tiền tiêu. Các anh ở mọi miền đất nước về đây, mang theo tâm tư, tính nết khác nhau. Khi có sự việc xảy ra thì mọi ưu tư đều tan biến, mà chỉ còn lại ý nghĩ duy nhất: Chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 17/2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Cục Tuyên huấn điều tôi về Hà Nội làm “phóng viên chiến trường” cho Ban Truyền hình Quân đội. Có điều, làm “báo hình”, lại một lần nữa, tôi phải tự học đồng nghiệp, học qua các chuyến đi thực tế.
Truyền hình cũng giống như phát thanh, có các thể loại: Tin, phóng sự, tường thuật, phỏng vấn, điều tra, bình luận. Phát thanh dùng âm thanh, tiếng động, giọng nói để tăng tính chân thực, sinh động. Truyền hình còn phải có hình ảnh minh họa. Do vậy, báo hình bớt lời hơn báo nói. Vì hình ảnh đã nói hộ rồi. Hơn nữa, phóng sự truyền hình là công lao tập thể, phụ thuộc thời tiết nắng, mưa.
Từ ngày thành lập 20/9/1975, Truyền hình Quân đội còn quá nghèo nàn. Ban biên tập có hơn chục người, từ phát thanh Quân đội chuyển sang, phải tự học làm kịch bản, đạo diễn, quay phim, viết lời bình. Tất cả làm việc trong căn phòng 16 mét vuông, nhà cấp 4, chưa mưa đã ngập. Vật tư chỉ có hai máy quay phim nhựa đen trắng 16 li; còn phần lớn nhờ máy móc kĩ thuật Đài Truyền hình Việt Nam, kinh phí hạn hẹp.
Thời lượng phát sóng trên VTV1 - 30 phút/tuần rồi phấn đấu trên cả VTV3 - 30 phút và trên VTV2- 30 phút/tuần. Như vậy, một tuần phát 90 phút và đưa sang Đài phát 10 phút “Nhắn tìm đồng đội”; cộng cả thảy 100 phút/tuần.
Để có thời lượng phát sóng trên, các phóng viên chúng tôi phải làm việc hết công suất, nhất là khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tiếp diễn ác liệt ở 6 tỉnh: Hà Tuyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn và Lai Châu. Quân Trung Quốc xâm lược đã huy động hàng chục sư đoàn, với các loại vũ khí và máy bay tàn phá nhà cửa, làng mạc, giết hại hàng nghìn người dân vô tội.
Tôi đã từng chứng kiến sự dũng cảm hi sinh của đồng đội mình. Hoàng Thị Hồng Chiêm, tuổi mới đôi mươi hôm trước lên thăm người yêu ở đồn Pò Hén, Quảng Ninh, hôm sau, kẻ thù tới, chị đã tiếp đạn, cầm súng chiến đấu và anh dũng hi sinh. Ở bình độ 400, Đồi Đài, Cô Ich, mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên, trong một đêm, nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh vì đạn pháo của địch.
Suốt những năm tháng làm phóng viên chiến trường, tôi đã ba lần chết hụt nhưng bản thân không hề đắn đo khi tác nghiệp; sẵn sàng phản ánh tội ác của quân Trung Quốc xâm lược trước công luận trong nước và thế giới. Từ đó, góp phần tuyên truyền các quốc gia, dân tộc cùng đứng lên, phản đối chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình…
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, phóng viên báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén để làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, trong 25 năm, từ một phóng viên truyền hình, tôi đã phấn đấu trở thành Phó ban rồi Trưởng ban Truyền hình Quân đội. Đơn vị mượn dãy nhà ngang, từng để ô tô của Phòng phát hành phim ở 84 Lý Thường Kiệt làm trường quay ghi hình và nơi biên tập; thay căn phòng 16 m2 của dãy nhà cấp 4. Truyền hình Quân đội “tá túc” ở đây gần 8 năm, xây dựng nhiều tiết mục như: “Nhắn tìm đồng đội”, “Chuyện của chúng tôi”, “Chiến sĩ sinh hoạt văn hóa - văn nghệ”… được khán giả đánh giá cao; Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Nhân thành tích này, tôi đã xin 1.000 m2 đất của Tổng cục Chính trị ở số 2 phố Lý Nam Đế, Hà Nội và xin tiền Nhà nước xây dựng Trung tâm Truyền hình - Phát thanh, gồm 4 tầng lầu để tác nghiệp. Trong thời kì đổi mới đất nước, các thế hệ kế tiếp thay tôi đã trưởng thành vượt bậc: Xây dựng Trung tâm Quốc phòng Việt Nam, gồm 23 tầng, trên 6.000 m2, có máy móc, thiết bị kĩ thuật hiện đại ở 163 Xã Đàn, TP Hà Nội.
Từ lời dạy của Bác Hồ với báo chí, chúng tôi mãi mãi tự hào về sự lớn mạnh của Truyền hình Quân đội, nay là Trung tâm Quốc phòng Việt Nam.