Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%
Xã hội 20/11/2023 10:49
Cả nước có 9 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cao hơn chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; 4 địa phương ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Dự kiến hết năm 2023, ước tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%; tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%; tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao)…
Ban Chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như: Chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lí. Ước tính, tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước năm 2023 giảm còn 2,93% và giảm xuống 0,9% vào cuối năm 2025.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9% |
Bước sang giai đoạn 2024 - 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia tiếp tục phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kì theo chuẩn nghèo đa chiều của Quốc gia. Cuối năm 2025, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 0,9%, giảm bình quân khoảng 1,08%/năm (đạt chỉ tiêu giảm bình quân 1-1,5%/năm Quốc hội, Chính phủ giao); 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng; xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế; tối thiểu 100.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet…
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu, các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chương trình hành động, thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai. Các địa phương cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, xã hội; nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…