Chuyện về cựu binh từng trải qua ba cuộc chiến
Tuổi cao gương sáng 13/12/2024 13:18
Ông nhập ngũ tháng 3/1959. Trước khi nhập ngũ, ông đã là cán bộ Đoàn, tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ từ tháng 1 đến 7/1954; tổ trưởng tổ đổi công.
Nhập ngũ không được bao lâu, ông liên tiếp được cử đi đào tạo các khóa huấn luyện tại các trường kĩ thuật pháo, rồi Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Bảo vệ an ninh… Ông được cử sang Liên Xô học cách chuyển loại Tên lửa SAM - 2. Trong những ngày đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, đơn vị của ông có nhiệm vụ cơ động khắp các mặt trận từ các trận địa bảo vệ Thủ đô Hà Nội đến các khu vực trọng điểm từ Phủ Lý, Ninh Bình, đến Hàm Rồng Thanh Hóa rồi Bến Thủy, ngã ba Đồng Lộc,....
Cụ Nguyễn Đăng Đoàn đang chăm sóc cây cảnh. |
Ác liệt nhất là những ngày đơn vị của ông tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào và 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Kẻ địch không thể ngờ quân Giải phóng có cả xe tăng, pháo lớn vào sâu đến thế. Chiến thắng của quân Giải phóng liên tiếp chuyển về hậu phương làm nức lòng đồng bào cả nước. Nhưng bộ đội ta chịu tổn thất cũng không nhỏ. Giọng ông trầm lại, đứt quãng khi kể về những cái chết của những người đồng đội. Những nếp nhăn co lại trên mặt người cựu binh gần 90 tuổi. Ông đưa bàn tay gầy guộc lên ngăn dòng nước mắt lăn xuống hai gò má…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Trợ lí Bảo vệ an ninh Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân; rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy trung đoàn phòng không 591, Phó phòng, Trưởng phòng Bảo vệ An ninh Cục Chính trị quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 1/1991, ông được phong quân hàm Đại tá giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Cục Kĩ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 7/1996, ông được về nghỉ hưu.
Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, sau ngày về hưu, ông vẫn hăng hái đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Với kinh nghiệm người cán bộ chỉ huy, ông có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích cho đội ngũ cán bộ trẻ ở thôn, ở xã. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội NCT xã, Ủy viên Ban chấp hành Hội Khuyến học của xã. Ông còn tích cực tham gia các tổ chức chính trị, xã hội và các CLB văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Tham gia tổ chức nào ông cũng là một thành viên tích cực, tâm huyết, trách nhiệm được mọi người kính trọng.
Với gia đình, ông là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, giàu lòng vị tha, yêu thương, chăm chút dạy bảo cháu con. Ông có 3 người con trai, 2 người con gái. Các con cháu của ông đều tốt nghiệp đại học. Gia đình ông là một trong những gia đình điển hình tiêu biểu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, năm nào cũng đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa tiêu biểu.
Ông là Đại tá Nguyễn Đăng Đoàn, sinh năm 1937, hiện đang sinh hoạt tại Hội CCB xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Huy chương Quân kì Quyết thắng, Huy hiệu 40 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm tuổi Đảng, 12 Bằng khen, 18 Giấy khen và rất nhiều Kỉ niệm chương, Huy hiệu do quân đội và các tổ chức cấp.