Nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua mạng: Mạo danh công an đe doạ khởi tố
Tin tức 27/05/2022 13:36
Sau khi gọi điện thoại mạo danh công an, nhóm lừa đảo "dẫn" nạn nhân đến trang web giả mạo Cổng thông tin Bộ Công an, để từ đó thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. |
Một ngày đầu tháng 4, bà P.T.T (55 tuổi, ở quận 10, TP Hồ Chí Minh) nhận được cuộc gọi số lạ của một người đàn ông tự xưng là Nguyễn Văn Dũng, công tác tại Công an TP.Hà Nội.
Người đàn ông tên Dũng thông báo việc bà T liên quan đến một đường dây ma tuý. Người này nói bà đang bị điều tra và công an sẽ niêm phong tài khoản của bà. Đồng thời, yêu cầu bà chuyển 1,3 tỉ đồng vào số tài khoản chỉ định mang tên Đào Xuân Sang.
Do lo sợ, bà T đã đến phòng giao dịch một ngân hàng ở quận 10 để chuyển gần 1,3 tỉ đồng vào tài khoản tên Đào Xuân Sang và bị chiếm đoạt.
Một trường hợp điển hình khác là cụ ông 82 tuổi, trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 28.3 cũng bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại lạ. Đối tượng này tự xưng là công an, thông báo ông có liên quan một vụ án đang điều tra.
Chúng yêu cầu ông cung cấp tài khoản ngân hàng để xác minh. Sau đó cụ ông này phát hiện tài khoản bị mất hơn 5,5 tỉ đồng.
Hai nạn nhân trên chỉ là những trường hợp bị nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh công an, đe doạ để chiếm đoạt số tiền lớn trong thời gian gần đây.
Với trường hợp của bà T, Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, đây là một trong các hình thức lừa đảo phổ biến xuất hiện đã lâu.
Trường hợp của cụ ông 82 tuổi cũng được Công an Hà Nội xác định đó là thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng mạo danh cơ quan chức năng.
Theo cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có người sập bẫy của các đối tượng.
Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Công an Hà Nội cho biết, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị, các cơ quan chức năng như: công an, báo chí, ngân hàng, nhà mạng viễn thông… thường xuyên cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo này nhưng vẫn có người bị sập bẫy.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện nhiều vụ việc lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội. Trong số này, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 vụ với 3 bị can và tiếp tục xác minh các vụ theo trình báo của người dân.
Tại Hà Nội, hôm 8/4, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố, tạm giam Lưu Thị Vân khi bị can này đứng ra thu mua sim điện thoại, mở tài khoản ngân hàng rồi bán cho nhóm đối tượng chuyên lừa đảo qua mạng Internet, gọi điện.
Và có những vụ đã bị đưa ra xét xử như trường hợp của Nguyễn Đình Vân (26 tuổi, ở Hải Dương), Nguyễn Mạnh Hiền (25 tuổi, Hưng Yên). Ngày 2/6/2021, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt hai bị cáo mức án 10 năm và 9 năm cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vân và Hiền nằm trong đường dây gọi điện thoại, giả danh công an, Viện kiểm sát đe doạ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an Hà Nội triệt phá hồi cuối năm 2019.
Hôm 20/5, Bộ Công an tiếp tục khuyến cáo đang xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới. Các đối tượng mạo danh lực lượng Công an đang điều tra các vụ án (tham nhũng, rửa tiền, ma túy,…).
Chúng chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan đến các vụ án này để yêu cầu trình diện cơ quan Công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra.
Từ đó, các đối tượng đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp các thông tin như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư… để thanh tra tình hình tài chính.
Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ gửi 1 mã và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào trang website, khai báo các thông tin cá nhân và chọn mục hủy xác nhận OTP (phương thức bảo mật của ngân hàng khi thực hiện giao dịch).
Sau khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Từ việc trên, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động giả mạo cơ quan nhà nước, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực tuyên truyền nâng cao cảnh giác và hướng dẫn nhân dân sớm phát hiện, tố giác các hành vi phạm tội này.
Theo trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, quý I năm 2022, lực lượng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ, xử lý 372 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (đạt tỷ lệ 79,15%), xử lý 491 đối tượng.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung tướng Tô Ân Xô khuyến cáo: người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn phạm tội.
Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở...
Bộ Công an đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo giới kinh doanh online |
Chân dung kẻ lừa đảo nhân danh tình yêu |