Nhận diện khó khăn của doanh nghiệp để tháo gỡ
Kinh tế 11/08/2021 07:45
Trong phạm vi, quyền hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo cộng đồng DN và các hiệp hội ngành hàng thì có 8 nhóm vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối diện.
Một là, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40 - 50%, nặng nề nhất là ngành hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu bị giảm đến 70 - 80%. Tình trạng ùn ứ, “tắc nghẽn” hàng hóa tại một số cảng biển quan trọng, như: Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải thời gian qua đã phản ánh bản chất do tình trạng đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh chứ không phải “tắc nghẽn” do hạ tầng hay do điều hành giao thông. Nhu cầu giảm, DN giảm sản lượng, qui mô sản xuất, do đó nguyên liệu nhập về chưa thể đưa vào sản xuất nên tạm dùng kho cảng làm kho của DN.
Các DN cho biết điều kiện của một số chính sách còn khá chặt chẽ gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế. Ảnh Trọng Triết |
Hai là, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Trong đó, ngành du lịch không phát sinh doanh thu; các nhà hàng, khách sạn bị “tê liệt” đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây, doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với năm 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kì năm 2020.
Ba là, dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến DN rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh như các khoản chi phí cho người lao động (trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Ngoài ra, các DN vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động. Do thiếu hụt dòng tiền nên hầu hết các DN khó có thể xoay xở trả lãi các khoản vay ngân hàng đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.
Bốn là, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất. Tình trạng thiếu nghiêm trọng container rỗng, giá thuê container tăng 5 - 10 lần, chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2 - 4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch, như chi phí xét nghiệm, chi đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại DN.
Năm là, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Sáu là, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lí. Hậu quả là các DN bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi tăng, cước vận chuyển tăng, tình hình sản xuất - kinh doanh bị ngưng trệ.
Bảy là, khó khăn về lao động và chuyên gia: Để cầm cự trước dịch bệnh nhiều DN phải thu hẹp qui mô, cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các DN khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định, như: cơ khí, điện tử… Các DN đặc biệt là các DN FDI gặp nhiều khó khăn với vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.
Tám là, khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các DN cho biết điều kiện của một số chính sách còn khá chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt. Sau ba tuần thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, các DN đang phải tìm mọi cách giữ người lao động và đều cho rằng không thể duy trì sản xuất lâu dài theo cách này
Qua đó, điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị của các DN đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng DN của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tài chính.