Người phụ nữ mang đến từng nhà những bữa cơm ngon, canh ngọt
Tin tức 12/04/2023 11:12
Bà Cuối đang chăm sóc vườn rau hữu cơ của gia đình |
Sau hơn 16 năm làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ ở Đài Loan (Trung Quốc), với bao vất vả nhọc nhằn nhưng đổi lại bà Cuối tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi về nước, năm 2017, bà đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với nhiều sản phẩm rau, củ chất lượng cao, rồi thành lập HTX Cuối Quý và trở thành tỷ phú trong lĩnh vực này…
Đến nay, HTX Cuối Quý trồng rất nhiều loại rau khác nhau như su hào, súp lơ, cà chua, bông hẹ… Hiện, đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày bán từ 1,5-2 tạ rau củ, quả các loại…
Ngoài ra, còn có chuỗi cửa hàng rau sạch Hà Nội, bà con quanh vùng, và khách đến lấy tại ruộng, với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/1kg. Năm 2020, sản phẩm rau của hợp tác xã được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được TP. Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Mô hình được nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập.
Bà Cuối cho biết: “Phân hữu cơ mình tự ủ được từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, trấu lót chuồng gà, chuồng vịt nên chi phí rẻ mà lại rất tốt, làm đất tươi xốp, giữ ẩm, hạn chế công tưới… Rau trồng phát triển tốt, ăn ngon ngọt, vị thơm đậm và an toàn khi sử dụng”.
Bà Cuối tâm sự, trồng rau hữu cơ vất vả hơn một chút, do phải tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… nhưng bù lại cho thu nhập cao gấp 3 – 5 lần so với làm truyền thống. Đặc biệt, như thời gian Hà Nội phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch lây lan, thương hiệu rau hữu cơ Cuối Quý vẫn tiêu thụ tốt.
Để đảm bảo nguồn nước tưới quanh năm cho vườn rau, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài, bà Cuối đã đầu tư đào đường mương lớn xung quanh vườn rau để tích trữ nước. Đồng thời, bà còn thả cá trắm, trôi, chép và tận dụng chính nguồn rau vụn từ quá trình sơ chế để làm thức ăn cho chúng. Vì vậy, gần như khu vườn của HTX Cuối Quý thành quy trình sản xuất khép kín, không có chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Nói về kỹ thuật canh tác, HTX đã thực hiện nghiêm ngặt theo đúng nguyên tắc “5 không” (không sử dụng thuốc diệt cỏ; phân bón hóa học; thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thuốc kích thích tăng trưởng; giống biến đổi gen).
Ngoài ra bà Cuối còn trồng hơn 2ha bưởi hữu cơ |
Về đất trồng, toàn bộ diện tích trong nhà màng không lên luống, sau khi thu hoạch hết một lứa rau, bà sử dụng đèn khò phun lửa đốt đất để diệt cỏ dại, các loại sâu bọ, vi khuẩn còn lại trên đất. Sau đó, đất được đánh tơi và bổ sung phân bón hữu cơ với lượng được tính toán kỹ lưỡng, vừa đủ cho thời gian sinh trưởng của lứa rau tiếp theo. Điểm đặc biệt là từ khi gieo giống, ô nhà màng sẽ được đóng cửa, chỉ tưới nước đều đặn cho đến khi thu hoạch mới mở cửa trở lại.
Ngoài ra, để diệt sâu bọ tận gốc, bà còn làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa milo, ủ trong 2 tuần. Sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Tuy không làm cho sâu chết ngay nhưng thuốc hữu cơ tác động trực tiếp làm chúng ngưng không ăn và yếu dần rồi chết.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua thương hiệu rau hữu cơ của HTX Cuối Qúy đã nổi tiếng khắp trong ngoài, TP Hà Nội. Trên mỗi bó rau được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể nhận biết được tất địa chỉ, quy trình sản xuất, để biết chúng có an toàn để mua hay không.