Người nhạc sĩ tài hoa và... trắc ẩn
Tin tức 23/08/2018 10:15
Đà Lạt được ví là “thành phố ngàn hoa”. Vẻ đẹp mộng mơ của Đà Lạt đồng cảm với tâm hồn nhạc sĩ, năm 1956, những ca khúc bất hủ "Ai lên xứ Hoa Đào", "Bài thơ Hoa Đào", "Đà Lạt mưa bay"... của nhạc sĩ Hoàng Nguyên lần lượt ra đời. Ngay lập tức, các tác phẩm ấy được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt và được coi là: "Người đội vương miện cho Đà Lạt". Nghe "Ai lên xứ Hoa Đào", ta thấy hồn thơ nhạc của ông trao cho thành phố cao nguyên thơ mộng này một màu sắc tươi mới, uyển chuyển, nhẹ nhàng, để rồi lữ khách khi dừng chân Đà Lạt như được thả hồn vào chốn bồng lai.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người đã dành mấy chục năm nghiên cứu về tác phẩm của các nhạc sĩ miền Nam trước đây thì ca khúc “Ai lên xứ Hoa đào” là một trong những tác phẩm đỉnh cao trong thập niên 50-60 thế kỉ trước. Viết xong “Ai lên xứ hoa đào”, dường như cảm thấy "chưa đã" Hoàng Nguyên viết tiếp bản Bolero thứ hai mang tên “Bài thơ hoa đào” ở điệu thức Đô trưởng với nhịp 2/2.
Còn nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ca khúc "Ai lên xứ Hoa đào" được Hoàng Nguyên viết theo phong cách cổ điển châu Âu pha lẫn âm nhạc ngũ cung dân tộc, tiết nhạc, câu nhạc hết sức cân đối. Ca khúc mang nhịp điệu Rumba nhẹ nhàng uyển chuyển, giai từ, tiết điệu hoà quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh về Đà Lạt tươi đẹp, lãng đãng sương khói, mặc dù từ đầu đến cuối tác giả không viết một chữ định danh thành phố này.
Cái đẹp, cái hay của âm nhạc chính là sự tồn tại ở khoảng giao thoa giữa cái thực và cái ảo. Ca khúc "Ai lên xứ Hoa đào" là một trong những tác phẩm như vậy. Phong cách lãng mạn của ca khúc do hiện thực thẩm mĩ của thiên nhiên, cuộc sống con người Đà Lạt gợi ý với nghệ sĩ. Con người luôn có khao khát mơ mộng, vượt thoát hiện thực thường ngày để nhập thân vào cái đẹp. Vì vậy những ca khúc như "Ai lên xứ Hoa đào" sẽ còn tồn tại mãi.
Người Đà Lạt không mấy ai không biết, không thuộc bài hát “Ai lên xứ Hoa đào”. Người ta hát ca khúc này trong đại nhạc hội, trong các dịp lễ hội, trên Đài Phát thanh và truyền hình, trong Festival Hoa Đà Lạt, trong đám cưới, trong giao lưu văn nghệ và cả khi một mình thầm lặng tự hào về vẻ đẹp của xứ sở. Trong niềm kính phục và thương cảm đối với một nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh; ta hình dung hình dáng thanh mảnh của ông đang thong thả dạo bước trên những con đường mờ sương Đà Lạt hay say đắm ngắm mùa hoa anh đào nở rực hồng.
Màu hoa ấy từng được Nhạc sĩ ví như môi hồng người mình yêu- một hình ảnh so sánh không thể nào hay hơn!
Sau 1975, khi quan niệm chính trị chưa cởi mở, các ca khúc của Hoàng Nguyên cũng như nhiều nhạc sĩ khác ở miền Nam bị xếp chung vào khái niệm "Nhạc vàng", cấm phổ biến. Nhưng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được yêu cầu biểu diễn bài hát "Ai lên xứ hoa đào". Thể theo nguyện vọng của đông đảo người yêu âm nhạc, từ thập niên 80 của thế kỉ trước Đoàn đã "xé rào", biểu diễn ca khúc này trong các chương trình ca múa nhạc phục vụ Nhân dân Đà Lạt - Lâm Đồng. Hoàng Nguyên là một trong những trường hợp nhạc sĩ phía Nam sớm trở về với gia tài âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây, Đà Lạt càng có nhiều hành động vinh danh bài hát "Ai lên xứ Hoa đào". Lời bài hát được khắc trên đá hoa cương trong Công viên Quảng trường Lâm Viên, trong làng du lịch Đất Sét. Chào mừng Festival Hoa Đà Lạt năm 2015, ngành văn hoá Đà Lạt đã trang trí ngang đường Hồ Tùng Mậu - cửa ngõ vào thành phố những khuông nhạc (rực sáng vào ban đêm) giai điệu của bài "Ai lên xứ Hoa đào"… Ngành cũng đã xuất bản nhiều đĩa nhạc, tuyển tập các ca khúc hay về Đà Lạt, trong đó bài hát này bao giờ cũng có mặt ở vị trí danh dự tốp đầu.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên ra đi mãi mãi trong một vụ tai nạn xe hơi trên đường từ Vũng Tàu về Sài Gòn vào ngày 21/8/1973. Đám tang ông có nhiều bạn bè trong giới nghệ thuật, rất đông sinh viên các học sinh, nhất là những người từng cùng ông hoạt động trong kháng chiến. Cái chết của ông vẫn là một uẩn khúc, oan trái, gây xôn xao giới nghệ sĩ và người yêu nhạc, bởi khi đó ông có rất nhiều ca khúc hay, được nhiều người mến mộ nhưng cũng không ít kẻ ghen ghét, đố kị.
Ông Hồ Mậu Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An mong muốn các học giả tiếp tục nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp nhạc sĩ Hoàng Nguyên - Cao Cự Phúc. Rất nhiều văn nghệ sĩ quê Nghệ An mong muốn có một con đường mang tên Hoàng Nguyên ở TP Vinh và huyện Diễn Châu. Còn TS, nhà thơ Phạm Quốc Ca, cựu Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng thì thổ lộ, từ lâu một số trí thức, văn nghệ sĩ rất muốn có một con đường của TP Đà Lạt mang tên tác giả "Ai lên xứ Hoa đào".
Hoàng Nguyên là một nhạc sĩ tài hoa nhưng số phận đầy trắc ẩn. Những giai điệu dìu dặt, du dương ấy, chắc chắn sẽ còn được người đời hát mãi.
Bài và ảnh Nguyễn Đình Phượng