Người “Chiến sĩ Điện Biên” gương mẫu
Tuổi cao gương sáng 17/04/2024 10:54
Cụ Loan cho biết: Năm 1953, tròn 17 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, cụ tình nguyện gia nhập Tổng đội TNXP Trung ương và được phân công về Đội 36, làm nhiệm vụ phục vụ An toàn khu (ATK) Việt Bắc, đóng tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; vinh dự được phục vụ, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ; xây dựng và bảo vệ đường dây thông tin liên lạc từ ATK đến Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đội 36 được giao nhiệm vụ khẩn trương “mở đường, thông tuyến” thiết lập hệ thống thông tin, liên lạc phục vụ chiến dịch. Công việc đầy khó khăn, gian khổ, chẳng khác mấy bộ đội ngoài mặt trận. Hằng ngày, cụ cùng đồng đội xuyên rừng, xuyên núi, qua nhiều địa phương vùng Tây Bắc phát cây, mở lối, mắc dây tạo nên con đường không tên, dài hàng trăm km, bảo đảm bí mật, an toàn, thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Cuộc sống của đội viên TNXP mở đường thông tin, liên lạc vô cùng khó khăn, thiếu thốn; nơi ăn, chốn ở không ổn định, thường lấy hang núi làm nhà, tre, lá rừng làm giường, chiếu; đói ăn, khát uống, nhiều hôm mọi người phải đào củ mài, hái rau rừng nấu ăn thay cơm. Không quản khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Nguyễn Cảnh Loan cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Tuyến đường thông tin, liên lạc huyết mạch nối ATK với Bộ Chỉ huy chiến dịch nhanh chóng hoàn thành, đáp ứng yêu cầu, phục vụ kịp thời các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy tác chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, tin vui chiến thắng Điện Biên Phủ báo về, làm nức lòng cán bộ, đội viên Đội 36, trong đó có Nguyễn Cảnh Loan. Mọi người ai cũng sung sướng, tự hào, trong chiến công lẫy lừng ấy có mồ hôi và máu của lực lượng TNXP.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Cảnh Loan. |
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ ATK và chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1956, cụ Loan được cấp trên điều động sang Bộ Công an công tác. Năm 1958, cụ chuyển về Ty Công an khu Hồng Quảng (nay là Công an tỉnh Quảng Ninh) làm việc; năm 1983, cụ làm Trưởng Công an huyện Bình Liêu, tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, Đại biểu HĐND huyện; năm 1988, làm Trưởng phòng Nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh; năm 1990, nghỉ hưu theo chế độ với quân hàm đại tá.
32 năm hoạt động trong ngành Công an, cụ luôn phát huy tinh thần “Chiến sĩ Điện Biên”, thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy Công an Nhân dân, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi công tác.
Từ ngày nghỉ hưu đến nay, cụ tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương; làm Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia tỉnh, Bí thư Chi bộ khu phố 20 năm liền, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường... Cụ là hội viên Hội CCB Việt Nam, Hội Cựu TNXP Việt Nam, Hội NCT Việt Nam. Những năm gần đây, tuy tuổi cao nhưng cụ vẫn “sáng mắt, sáng lòng”, đam mê đọc báo, viết sách. Hai cuốn sách có giá trị lịch sử, nhân văn “Đất và người Quảng Ninh”, “Lịch sử Dân tộc tỉnh Quảng Ninh” từ thời Hùng Vương dựng nước đến năm 1930, dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, 55 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Cảnh Loan, Chiến sĩ Điện Biên, đã nêu tấm gương sáng cho con cháu và mọi người noi theo. Cụ không kể nhiều về thành tích của mình, nhưng cho biết đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở tặng thưởng 97 Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen, Huy hiệu Đảng, Kỉ niệm chương các loại, do có thành tích trong sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.