Người cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe
Hoạt động hội địa phương 28/05/2021 17:11
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nội dung quan trọng
Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên thế giới thì đối tượng người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ nhiễm dịch cao và tử vong nhiều. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt nên đã ngăn chặn và phòng chống dịch có hiệu quả, nhân dân rất tin tưởng và phấn khởi. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Chính phủ quan tâm hơn nữa về chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt kiến thức về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người cao tuổi góp phần nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi nói riêng và cho nhân dân nói chung.
Hiện tại, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt năm 2020 theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Dự thảo Đề án được xây dựng với các nội dung chính: Mục tiêu tổng quát: “Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi hướng tới già hóa khỏe mạnh, thích ứng với già hóa dân số nhanh góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030”; Các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao trách nhiệm về xây dựng môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, quản lý Đề án; Nghiên cứu, hợp tác quốc tế.
Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nội dung quan trọng nằm trong lĩnh vực ưu tiên của Chương trình.
Tư vấn về sức khỏe và phòng chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi. |
Trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 tại Việt Nam, người cao tuổi được xếp vào nhóm dễ bị tổn thương do sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém và tỷ lệ cao đã bị mắc các bệnh nền (như ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…) nên dễ bị biến chứng nặng hoặc tử vong khi nhiễm COVID-19. Phòng ngừa lây nhiễm bệnh COVID-19 không chỉ giúp phòng tránh lây lan bệnh ở một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong chung và còn góp phần trì hoãn đỉnh dịch, tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế khiến cho dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bởi vậy, ngành Y tế luôn coi người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi trong dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành một số hướng dẫn chuyên môn, cụ thể:
Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19 (ban hành kèm theo Quyết định số 1588/QĐ-BYT ngày 07/4/2020 của Bộ Y tế).
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng (ban hành kèm theo Quyết định số 1588/QĐ-BYT ngày 07/4/2020 của Bộ Y tế).
Hướng dẫn điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm trong dịch COVID-19 (ban hành kèm theo Quyết định số 1886/QĐ-BYT ngày 27/4/2020 của Bộ Y tế).
Các tài liệu trên cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi không chỉ trong các cơ sở y tế mà còn tại cộng đồng trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.
Người cao tuổi cần làm gì để phòng chống dịch bệnh Covid-19?
Để có sức đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh, ngoài việc tuân thủ khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế như: hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài, luôn luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu ít nhất 2m; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; Thực hiện khai báo y tế, cung cấp thông tin sức khoẻ bản thân. Người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ và luyện tập thể dục thường xuyên, đặc biệt luôn đảm bảo tinh thần lạc quan cùng lối sống lành mạnh, là một trong những biện pháp quan trọng giúp người cao tuổi tăng sức đề kháng để phòng tránh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Về chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất, đảm bảo chế độ ăn đẩy đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như: đậu tương, đỗ xanh, đỗ đen… Bổ sung thực phẩm từ rau xanh, hoa quả giúp ngăn ngừa táo bón, cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết cho cơ thể, duy trì cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chế biến hợp khẩu vị, sở thích, khả năng nhai nuốt thức ăn để có thể ăn đủ số lượng. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, gầy, hoặc sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày. Ngoài ra, nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch bao gồm: Vitamin A, C, E, một số vi chất như: sắt, kẽm, vitamin D. Có thể sử dụng một số gia vị hoặc thực phẩm chứa các chất giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, trà xanh, sữa chua… Thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra người cao tuổi cần chủ động cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, ít nhất từ 6 - 9 cốc (tương đương 1,2 - 1,8 lít) không nên uống nhiều nước vào buổi tối trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc.
Người cao tuổi nên hạn chế ra ngoài, đến các nơi công cộng có tập trung đông người. Trong trường hợp có vấn đề về sức khoẻ, nếu nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế xã, phường, trường hợp thực sự cần thiết mới nên tới các cơ sở y tế ví dụ như các trường hợp cấp cứu, bệnh nặng cần theo dõi và điều trị. Những người cao tuổi có các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạch, huyết áp… cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ; không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng liều, giảm liều. Nếu có vấn đề mới về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi cần tăng cường vận động để giúp cơ thể thêm dẻo dai và tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút, có thể tự vận động tại nhà như: đi lại nhiều hơn, tập dưỡng sinh, dọn dẹp nhà cửa, đạp xe, đi bộ... sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Bên cạnh đó, môi trường sinh hoạt của người cao tuổi nên được thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ tuy nhiên cũng cần tránh gió lùa trực tiếp.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)