Ngày Nhà giáo ở một số nước trên thế giới
Giáo dục 18/11/2023 16:01
Theo UNESCO, Ngày Nhà giáo quốc tế vinh danh các tổ chức giáo viên trên toàn thế giới. Nó được tổ chức hàng năm vào ngày 5/10 kể từ năm 1994, hơn 100 quốc gia trên thế giới kỷ niệm ngày này. Mục đích của ngày hiến chương là động viên sự ủng hộ của cộng đồng đối với giáo viên toàn cầu, đồng thời đảm bảo nhu cầu giáo dục của các thế hệ tương lai tiếp tục được thỏa mãn. Hiện nay, trên thế giới ước tính có khoảng 60 triệu giáo viên. Nhưng cũng theo tổ chức quốc tế Oxfam thì hiện tại trên thế giới có khoảng 115 triệu trẻ em không được đến trường, chúng không được đón nhận những quyền lợi cơ bản nhất của con người. Mỗi khi tỉnh giấc đón nhận ánh bình minh của buổi sớm, chúng không hy vọng được thừa hưởng những lợi ích tối thiểu của một nền giáo dục có thể mang lại. Những đứa trẻ này có thể biết về AIDS, sự đói nghèo, bệnh tật và cả những công việc nặng nhọc mà trong tiềm thức không bao giờ biết được người giáo viên có nghĩa là gì? Tổ chức này đang nỗ lực hết mình vận động các chính phủ, các công ty và tổ chức quyên góp tiền vì mục tiêu “giáo dục đến với mọi người”. Để những đứa trẻ ở tất cả các nước nghèo trên thế giới có thể tiếp cận một nền giáo dục toàn cầu thì chúng ta cần khoảng hơn 15 triệu giáo viên.
Tổ chức Giáo dục quốc tế (EI) có một niềm tin vững chắc rằng, Ngày nhà giáo được cộng đồng quốc tế thừa nhận và kỷ niệm rộng rãi trên toàn thế giới. Những cố gắng của tổ chức giáo dục quốc tế và hơn 348 tổ chức thành viên của nó đã góp phần quan trọng cho sự công nhận rộng rãi này.
Ngày nhà giáo ở Nga
Nước Nga lấy ngày 5/10 hàng năm là Ngày hiến chương các nhà giáo. Trước năm 1994, người Nga thường lấy ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 10 làm ngày nhà giáo. Họ kỷ niệm ngày lễ này với nhiều hoạt động tưng bừng. Những bó hoa tươi thắm, những viên kẹo ngọt ngào và các món quà lưu niệm đầy ý nghĩa được tặng cho hơn 1,5 triệu nhà giáo Nga.
Trung Quốc
Năm 1984, Wang Zishen, nguyên chủ tịch Đại học Bắc Kinh, đã đề xuất thành lập một ngày kỷ niệm để tôn vinh các nhà giáo Trung Quốc. Đến ngày 21/2/1985, quốc gia này đã thống nhất chọn ngày 10/9 hàng năm là Ngày hiến chương nhà giáo của mình. Ngày nay, nhiều người Trung Quốc muốn chuyển ngày lễ này sang ngày 28/9 là ngày sinh của Khổng Tử.
Là một quốc gia phương Đông vốn có truyền thống coi trọng đạo lý “tôn sư trọng đạo”, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc đến viếng thăm các đền miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan của Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử...
Mỹ
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ đã diễn tả Ngày nhà giáo của Mỹ như là một ngày tôn vinh và ghi nhận những đóng góp và cống hiến của những người làm công tác giáo dục cho sự phát triển cuộc sống của mọi người. Nguồn gốc Ngày nhà giáo ở Mỹ không rõ ràng. Vào khoảng năm 1944, một giáo viên ở Arkansas là Mattye Whyte Woodridge bắt đầu kiến nghị với những người lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và chính trị việc cần thiết phải có một ngày tôn vinh các nhà giáo. Một trong những người lãnh đạo mà ông viết thư tới đó là bà Eleanor Roosevelt. Bà đã thuyết phục quốc hội tuyên bố ngày nhà giáo vào năm 1953.
Hiệp hội Giáo dục Quốc gia cùng với các thành viên ở bang Kansas và Indiana đã vận động quốc hội lấy một ngày trong năm làm ngày nhà giáo quốc gia. Quốc hội đã tuyên bố ngày 7/3/1980 như là Ngày hiến chương nhà giáo của năm đó. Sau đó, họ tiếp tục tổ chức vào tuần đủ đầu tiên của tháng năm hàng năm cho đến năm 1985 và duy trì cho đến ngày nay.
Hàn Quốc
Ngày hiến chương nhà giáo của Hàn Quốc là ngày 15/5. Các học sinh tặng thầy cô giáo của họ những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính. Ngoài ra, cũng giống như ở Việt Nam, các cựu học sinh thường đến viếng thăm và tặng những món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ. Hầu hết, các học sinh được nghỉ học trong ngày lễ này.
Ba Lan
Ngày 14/11 được coi là ngày nhà giáo hay còn gọi là ngày giáo dục quốc gia Ba Lan. Vào ngày này năm 1773, vua Ba Lan Stanisoaw Poniatowski đã thành lập Ủy ban giáo dục quốc gia.
Ngày hiến chương nhà giáo ở Ba Lan được các nhà giáo và học sinh đánh giá cao. Theo truyền thống, học sinh mang những bó hoa tươi và món quà nhỏ kính tặng những người thầy của họ. Họ tổ chức kỷ niệm dưới nhiều hình thức khác nhau ở trường học. Những buổi tụ tập, liên hoan được tổ chức ở trường cho cả giáo viên và học sinh. Học sinh chuẩn bị những tiết mục diễn văn nghệ và hòa nhạc. Đây là dịp để những người học trò này bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực của thầy cô giáo đã dạy dỗ họ nên người. Những bậc phụ huynh cũng đến trường cùng với con cái họ để cảm ơn các thầy cô giáo.
Thái Lan
Ngày 31/11/1956, nội các Chính phủ Thái Lan thông qua quyết định chọn ngày 16/1 hàng năm là ngày nhà giáo Thái Lan. Ngày nhà giáo đầu tiên được tổ chức vào năm 1957.
Ngày hiến chương nhà giáo Thái Lan là một ngày lễ tôn kính của một quốc gia đạo Phật. Ngày này, các học sinh và toàn thể cộng đồng cùng nhớ lại vai trò quan trọng của những người thầy giáo như những ân nhân và là người đem lại ánh sáng cho cuộc sống. Trong cả buổi sáng, họ thường tổ chức một lễ kỷ niệm đặc biệt dành cho giáo viên. Điểm nổi bật của ngày này bao gồm các hoạt động tôn giáo. Một buổi lễ tôn giáo được tổ chức để cầu nguyện cho các nhà giáo và các hoạt động khác nhằm tăng cường sự thống nhất trong giới giáo viên.
Ngày nhà giáo ở Việt Nam
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định 167-HĐBT lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Và ngày 20/ 11/ 1982, lần đầu tiên, Ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Như vậy, ngày 20/11 hàng năm, giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỉ niệm ngày mang tên "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn ở nước ta, kể từ ngày 20/11/1982, ngày hội của giáo giới Việt Nam có tên gọi riêng là Ngày nhà giáo Việt Nam và ngày này cũng là ngày hội của toàn dân.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để gửi lời tri ân sâu sắc tới tất cả các nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc, xin trích dẫn câu danh ngôn: “Không có một vĩ nhân nào, một anh hùng nào trên đời này lại không qua bàn tay bế ẵm của người mẹ, thì trên trái đất này cũng không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và sự dạy dỗ của người thầy giáo”.