Nâng cao chất lượng môi trường làm việc, năng suất và thu nhập cho người lao động
Doanh nghiệp - Doanh nhân 31/07/2024 18:35
Đối thoại định kỳ luôn là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động, nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của các bên; phát huy tính dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, để người lao động tận tâm, nỗ lực cống hiến cho Công ty.
Ông Phạm Hồng Sĩ, Chủ tịch công đoàn công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết: “Từ năm 2022, Nhựa Tiền Phong đã duy trì tổ chức chương trình đối thoại với người lao động để trao đổi kỹ lưỡng hơn về các chính sách mới, đồng thời lắng nghe ý kiến, góp ý của người lao động và cam kết tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho toàn thể CBNV”.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Buổi toạ đàm năm nay tiếp tục xoay quanh việc gia tăng các quyền lợi cho người lao động trong đó nổi bật là gia tăng mức lương đóng BHXH theo các chính sách của nhà nước.
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty đã khẳng định con người là cốt lõi nên trong các hoạt động gia tăng sản xuất kinh doanh, Ban điều hành luôn cố gắng để hài hoà lợi ích giữa người lao động, cổ đông, đối tác và trách nhiệm xã hội.
Về mức thu nhập, Ban lãnh đạo luôn đặt ra mục tiêu mức lương thưởng bình quân tại Nhựa Tiền Phong luôn cao hơn từ 10 - 15% so với mặt bằng chung, đồng thời mức lương cũng sẽ được điều chỉnh tăng 2 năm một lần theo lạm phát chung của nền kinh tế, đồng thời gia tăng mức lương đóng BHXH sẽ được áp dụng từ cuối năm 2024 đầu năm 2025.
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty trao đổi với người lao động tại toạ đàm |
Mặt khác, sức khoẻ và môi trường làm việc của người lao động cũng được Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đặc biệt quan tâm. Ngoài những chế độ phụ cấp độc hại, kiểm soát mức khí độc, khí bụi nằm trong quy chuẩn của Bộ y tế, trong năm 2024, Ban lãnh đạo đã đầu tư hệ thống trộn tự động với mức kinh phí 150 tỷ đồng để mang đến môi trường xanh sạch cho người lao động, nhờ đó phòng tránh các bệnh nghề nghiệp và các bệnh mãn tính, duy trì đội ngũ lao động tốt và hiệu quả.
Trong phần toạ đàm, Ban lãnh đạo công ty cũng làm rõ các vấn đề và trả lời thoả đáng các khúc mắc liên quan đến chế độ nghỉ phép, quyền lợi du lịch, vấn đề an toàn lao động, các hoạt động giao lưu gắn kết từ Công đoàn các cấp, cách tính hiệu suất lao động và quy trình ghi nhận các sáng kiến...
Đại diện cho người lao động, chị Bùi Ngọc Thanh, công nhân Nhà máy sản xuất phụ tùng, bày tỏ mong muốn được thường xuyên tham gia các buổi đối thoại như thế này để hiểu rõ hơn về các quyền lợi, mục tiêu mà Ban lãnh đạo đề ra và có thêm động lực cống hiến cho công việc và sự phát triển của công ty.
Anh Nguyễn Quốc Khánh, Tổ trưởng công đoàn nhà máy PVC cũng mong muốn công ty tổ chức thêm những buổi đối thoại như thế này trong năm vì theo anh, đây là một cơ hội để người lao động đóng góp ý kiến, nâng cao tinh thần đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các bộ phận.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Tổ trưởng công đoàn văn phòng chia sẻ: “Tôi thích nhất phần toạ đàm vì các câu hỏi của chúng tôi đã nhận được giải đáp ngay lập tức từ Ban lãnh đạo, điều này rất quan trọng để tránh những hiểu lầm không đáng có. Tôi cũng thấy xúc động khi được Ban lãnh đạo công ty quan tâm, khuyến khích nghỉ phép để tái tạo năng lượng và lấy lại được sự cân bằng, hứng thú với công việc”.
Qua buổi đối thoại, Ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc công ty đã cam kết sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến để có sự điều chỉnh các chính sách phù hợp, bám sát theo quy định chung của nhà nước để gia tăng tối đa các quyền lợi, phúc lợi, và tạo môi trường làm việc tích cực, an toàn, chuyên nghiệp và bình đẳng, từ đó nâng cao hiệu suất lao động, tiếp tục đưa thương hiệu Nhựa Tiền Phong phát triển trên chặng đường sắp tới, đồng thời tạo dấu ấn tốt đẹp cho cột mốc kỷ niệm 65 năm thành lập Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong trong năm 2025 với nhiều thành công mới.