Năm 2039 sẽ chấm dứt thời kì cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam
Xã hội 22/12/2020 09:24
Trong 5 năm đầu của thời kì dự báo, 2019-2024, tỉ lệ tăng dân số hằng năm của Việt Nam là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kì dự báo, giai đoạn 2064-2069.
Cùng với đó, tỉ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026, dân số nam bằng dân số nữ (tỉ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỉ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.
Già hóa dân số thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kì cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007.
Kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kì cơ cấu dân số vàng nhưng tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10%. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kì dân số già.
Dự báo, thời kì dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2% đến 19,9%. Sau đó là thời kì cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Theo phương án trung bình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 50% dân số sống ở khu vực thành thị; đến năm 2069, tỉ lệ dân số sống ở khu vực thành thị chiếm 64,8%.
Kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.
Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỉ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số “già” và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh. Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.
Những thông tin này là cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.