Mùa nắng đẹp
Du lịch 04/04/2024 15:06
Từ lâu, tôi đã biết đến Côn Đảo qua tranh ảnh, sử sách, văn thơ, đặc biệt là câu chuyện về nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu gắn liền với cái nắng hàng dương, với sóng xanh Côn Đảo.
Là quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, một huyện lị thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP Vũng Tàu 97 hải lí, địa hình của Côn Đảo chủ yếu là đồi núi, với những dãy đá granit được bao quanh bởi sóng biển. Những năm qua, Côn Đảo không chỉ là vùng đất cất giữ dấu tích cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc mà còn là địa điểm nghỉ dưỡng của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nơi người nằm xuống
Đến Côn Đảo, mỗi người được sống lại với những kí ức đau thương nhất mà cũng hào hùng nhất trong thời kì chiến tranh. Ở đó, có biết bao chiến sĩ yêu nước bị bọn thực dân, đế quốc giam cầm; họ phải sống trong cảnh xiềng xích, gông cùm, bị tra tấn dã man để không thể tiếp tục hoạt động cách mạng. Mỗi tấc đất ta đi, dặm biển ta qua đều có máu xương của người nằm xuống. Tuy vậy, từ trong ngục tối, những “vầng dương” ấy vẫn không ngừng toả sáng, ngọn lửa đấu tranh vẫn ngùn ngụt trong trái tim của bao người chiến sĩ kiên trung. Giữa xà lim lạnh lẽo, những lá cờ đỏ sao vàng được thêu dệt và cất giấu chỉ đợi chờ đến ngày nổi dậy giải phóng Côn Đảo sẽ phấp phới bay cao.
Biển Côn Đảo. |
Cùng nằm trên cung đường Tôn Đức Thắng ven biển là những di tích lịch sử tồn tại hàng trăm năm nay như Bảo tàng Côn Đảo, Dinh Chúa Đảo, Trại Phú Hải, Trại Phú Tường, Trại Phú Bình... Đặc biệt, những nhà tù như Phú Tường (chuồng cọp Pháp), Phú Bình (chuồng cọp Mỹ) được ví như “địa ngục trong địa ngục trần gian”, gợi nhiều ám ảnh về những năm tháng tối tăm nhất của đất nước. Khi đó, các chiến sĩ cách mạng bị tra tấn bằng những hình thức tàn độc nhất.
Đất nước thanh bình, Côn Đảo duyên dáng như hòn ngọc giữa biển Đông xanh biếc, nhưng khi bước đi giữa những bờ tường cao có dây thép gai trổ vào trời xanh, lại thấy tim đập nhanh trong lồng ngực, vừa xót xa, vừa cảm phục trước sự kiên cường và tấm lòng thuỷ chung sắt son với Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng.
Côn Đảo - đất của người nằm xuống. Bốn bề biển xanh ngày đêm vỗ sóng ru giấc cho những anh hùng liệt sĩ sau khi họ cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nghĩa trang Hàng Keo vẫn lộng gió, đài tưởng niệm liệt sĩ luôn nghi ngút khói hương. Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của 1.921 liệt sĩ đã đánh đổi sự sống của mình để giữ trọn hình hài của Tổ quốc Việt Nam.
Trong đó, phải kể đến phần mộ của nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Võ Thị Sáu (1933 - 1952) khí tiết vững vàng, trước họng súng quân thù vẫn một lòng trung trinh với cách mạng. Khẽ bước bên những ngôi mộ nằm dưới bóng dương thâm u, tôi nhận ra đâu đó âm vang của hồn thiêng đất nước. Thế hệ chúng tôi may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong thời kì hoà bình, không phải hứng chịu bom đạn chiến tranh. Tôi chỉ biết đến lịch sử dân tộc qua những trang sách. Và giờ đây, khi đứng giữa Nghĩa trang Hàng Dương, tôi thấy tim mình sắt se, càng biết ơn, tôi càng thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của bao anh hùng liệt sĩ.
Hòn ngọc hữu tình giữa biển Đông
Không chỉ là mảnh đất của những di tích lịch sử, Côn Đảo còn là địa điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình, được ví như “hòn ngọc” giữa biển Đông.
Vượt muôn trùng sóng gió, khi tàu sắp cập cảng, Côn Đảo hùng vĩ dần hiện ra trước mắt. Những dãy núi xanh điệp trùng uốn lượn; những ghềnh đá cheo leo; những bãi cát trắng mịn bên biển xanh biếc nhấp nhô; những chiếc tàu neo đậu ở bến cảng, vũng vịnh, trên đầu tàu có lá cờ Tổ quốc... tất cả hài hoà, làm thành bức tranh trác tuyệt của Côn Đảo.
Một trong những ấn tượng khác của tôi về Côn Đảo là sự sạch sẽ của thị trấn, không khí trong lành. Bên cạnh ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường, người dân Côn Đảo cũng thật thân thiện, gần gũi. Một buổi trưa đang “cuốc bộ” ra chợ Côn Đảo, men theo đường Lê Duẩn - cung đường đẹp và mát mẻ bậc nhất nơi đây, ngắm giàn hoa giấy trước Sở Cò, đi dưới bóng mát của hàng bàng cổ thụ, ra cầu tàu 914... tôi có dịp tiếp xúc với con người nơi đây, được họ tận tình giới thiệu đặc sản làm quà cho người đất liền như bánh hạt bàng, khô cá sủng sỉnh, các loại hải sản... đậm đà phong vị Côn Đảo. Tôi ăn cơm niêu trứ danh, giải khát buổi trưa tháng Ba bằng món kem dừa béo ngậy, thưởng thức hải sản ở chợ đêm Côn Đảo, ngắm nhìn những dãy sóng điệp trùng như những vệt lân tinh trong đêm... Khoảnh khắc đi trên những cung đường vắng xe cộ qua lại, thoảng đưa hương sen, hương cúc từ những mâm lễ cúng, tôi đủ hiểu vì sao mỗi người đều khát khao được đến Côn Đảo dù chỉ một lần trong đời.
Rời Côn Đảo trong buổi trưa đầy nắng, qua ô cửa, vẫn thấy Côn Đảo hùng vĩ giữa mênh mông nước trời. Thầm nói lời tạm biệt Côn Đảo, nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ còn trở lại chốn đây...