Luật sư kiến nghị Tòa phúc thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án
Tin pháp luật 06/04/2023 14:05
Đại diện Viện KSND thị xã An Khê (người đứng, bên trái) đang tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm |
Ngày 20/3/2023, TAND thị xã An Khê xét xử bị cáo Nguyễn Thành Long về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm b, c khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015; tuyên xử bị cáo Long 7 năm 6 tháng tù giam. Bà Võ Thị Năm tiếp tục có đơn cho rằng còn có nhiều dấu hiệu bất cập trong hồ sơ vụ án. Để bạn đọc hiểu rõ thêm về nội dung đơn của bà Năm, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi có cuộc trao đổi với Luật sư (LS) Phạm Văn Vũ, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, người tham gia bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm về vụ án trên.
Phóng viên: Khi trình bày quan điểm bào chữa tại phiên tòa, LS khẳng định không đồng tình với bản Cáo trạng số 07 ngày 3/1/2022 của VKSND thị xã An Khê và bản luận tội của vị đại diện VKS, xin LS nói rõ lí do cụ thể.
LS Phạm Văn Vũ: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và diễn biến công khai tại phiên tòa, cho thấy việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử bị cáo Long về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm b, c khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015), là có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, có dấu hiệu oan sai và bỏ lọt tội phạm.
1. Về lời khai: Căn cứ hồ sơ, lời khai của bị cáo Long, bị cáo Hiệp đều thống nhất, không mâu thuẫn, không thay đổi. Tại tòa Long và Hiệp có thay đổi lời khai phù hợp với nhau: Lúc Hiệp nói với Long về việc mua ma túy về sử dụng, do lúc đó nhạc đang mở lớn nên Long có nghe hay không thì Hiệp không biết; Long khai do bị dụ cung, mớm cung khai theo hướng dẫn của cán bộ điều tra là khai như vậy để xử phạt hành chính và cho về. Các lời khai của các bị cáo khác, người liên quan, nhân chứng đều không liên quan đến bị cáo Long. Và sự thật hành vi của Long ngay từ đầu chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng không biết vì lý do gì mà nay Long bị khởi tố, truy tố và xét xử về hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Việc, chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo không phù hợp với chứng cứ khác để buộc tội là có dấu hiệu vi phạm các Điều 91, 94, 98 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
2. Về vật chứng vụ án: Như dĩa sứ, thẻ sim, ống hút, tờ tiền, bịch nilon, đầu lọc thuốc lá, điện thoại, v.v. Đây được xem là chứng cứ quan trọng của vụ án, nhưng việc thu thập các chứng cứ này thể hiện dấu hiệu vi phạm các Điều 105 (Thu thập vật chứng) và Điều 107 (Thu thập phương tiện, dữ liệu điện tử) của BLHS. Và Cơ quan tiến hành tố tụng không cho niêm phong ngay vật chứng mà để đến ngày hôm sau mới lập biên bản niêm phong. Vật chứng là các điện thoại của các bị cáo không được niêm phong ngay, mà để một năm sau mới đưa đi giám định, kết quả giám định về nội dung cũng không có gì liên quan đến chứng cứ buộc tội các bị cáo; hơn nữa việc lập biên bản niêm phong cũng không có sự chứng kiến và ký tên của các bị can, sau đó cũng không cho các bị can nhận dạng vật chứng theo quy định.
3. Việc lấy lời khai người chưa thành niên là bị cáo Phương có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, làm ảnh đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Khi lấy lời Phương chưa thành niên nhưng cơ quan điều tra không có người giám hộ theo đúng quy định. Trong khi, vụ án này chứng cứ buộc tội các bị can, bị cáo chủ yếu dựa vào nguồn chứng cứ là lời khai.
4. Về thực nghiệm điều tra: Qúa trình điều tra và điều tra lại Cơ quan CSĐT, Viện KSND thị xã An Khê có lập biên bản hiện trường (BL số 320-321); Biên bản thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường (BL số 928 đến BL 931). Nhưng cũng không yêu cầu bị cáo Long tham gia, là thể hiện dấu hiệu vi phạm Điều 201 (Khám nghiệm hiện trường), Điều 204 (Thực nghiệm điều tra) của BLTTHS. Biên bản dựng lại hiện trường có rất nhiều mâu thuẫn với lời khai của các bị can/bị cáo về mặt thời gian; thậm chí, hồ sơ còn thể hiện chưa làm rõ được về nội dung theo yêu cầu của TAND thị xã An Khê khi trả hồ sơ điều tra bổ sung.
5. Về thực nghiệm điều tra: Qúa trình điều tra và điều tra lại Cơ quan CSĐT, VKS An Khê có lập biên bản hiện trường (BL số 320-321); Biên bản thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường (BL số 928 đến BL 931). Nhưng cũng không yêu cầu bị cáo Long tham gia, là thể hiện dấu hiệu vi phạm Điều 201 (Khám nghiệm hiện trường), Điều 204 (Thực nghiệm điều tra) của BLTTHS. Biên bản dựng lại hiện trường có rất nhiều mâu thuẫn với lời khai của các bị can/bị cáo về mặt thời gian; thậm chí, hồ sơ còn thể hiện chưa làm rõ được về nội dung theo yêu cầu củaTAND thị xã An Khê khi trả hồ sơ điều tra bổ sung.
6. Về dấu hiệu làm oan sai, bỏ lọt tội phạm. Việc khởi tố vụ án, khởi tố các bị can trong vụ án này, Cơ quan CSĐT, Viện KSND thị xã An Khê xác định có người mua, người bán nhưng chỉ khởi tố người bán, không khởi tố người mua? Bên cạnh đó người có vai trò giúp sức, như cung cấp các dụng cụ, phương tiện để sử dụng ma túy, sau đó có hành vi thể hiện dấu hiệu che dấu, tẩu tán khi bị phát hiện. Nhưng hành vi này không bị xem xét xử lý?
Phóng viên: Dựa vào cơ sở nào để LS không đồng tình với việc truy tố bị cáo Long phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”?
LS Phạm Văn Vũ: Bản cáo trạng số 07 ngày 3/1/2023 của Viện KSND thị xã An Khê xác định: “Sau khi Hiệp gọi điện cho Hoàng nói Mơ và Phương đến hát thì Hiệp vào phòng hát cùng với Long, ngồi hát được 20 phút thì Hiệp rủ Long mua ma túy để sử dụng, Hiệp nói với Long: Để em mua ít đồ (Ma túy) về chơi cho vui, Long đồng ý và cả hai thỏa thuận Hiệp sẽ trả tiền ma túy còn Long tính tiền hát và tiền bo, v.v.”
Cáo trạng kết luận: Hành vi trên của các bị can Hiệp, Long cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm b,c khoản 2, Điều 255 BLHS”. Các bị can Hiệp, Long đồng phạm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với vai trò đều là người thực hành nhưng với tính chất giản đơn, trong đó vai trò chính thuộc về bị can Hiệp là người khởi xướng và mua ma túy để sử dụng.
Tuy nhiên, việc cáo buộc như thế là thể hiện không đúng khoa học về cấu thành tội phạm, cũng như quy định tại mục 6, phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 của liên bộ CA-VKSTC-TANDTC-BTP; và Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC về “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử”.
Theo đó, tổ chức sử dụng ma túy là phải có các hành vi: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng ma túy.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: Đưa trái phép chất ma túy vào người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác sử dụng; chuẩn bị ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, v,v. nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm, phương tiện, dụng cụ để sử dụng ma túy; và tìm người sử dụng trái phép chất ma túy.
Như vậy, có thể hiểu ở đây hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là các hành vi chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác (chuẩn bị ma túy, cung cấp địa điểm, dụng cụ, tìm người sử dụng ma túy).
Do đó dấu hiệu chỉ huy, phân công, điều hành (người cầm đầu) là hành vi khách quan bắt buộc phải có trong cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Thế nhưng cáo trạng xác định hành vi của Hiệp và Long đều là đồng phạm của nhau, cả hai người đều có vai trò thực hành. Vậy vấn đề đặt ra ở đây ai là người có vai trò chỉ huy, phân công, điều hành, chủ mưu, ai là đồng phạm, cũng chưa được làm rõ.
Đối chiếu lời khai của Hiệp và Long, cho thấy Long trả lời là đồng ý và tự chịu tiền bo và tiền phòng chứ hoàn toàn Long không góp tiền để mua ma túy; Long cũng không giúp sức cho Hiệp để chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, địa điểm hay kêu gọi những người khác sử dụng ma túy; và không giúp sức gì cho Hiệp tổ chức sử dụng ma túy.
Tóm lại Long cũng không phải là đồng phạm của Hiệp, không phải là người chỉ huy, tổ chức hay thực hành, mà là nạn nhân của việc sử dụng ma túy mà thôi.
Phóng viên: LS sẽ có kiến nghị gì với Hội đồng xét xử cấp tòa phúc thẩm?
LS Phạm Văn Vũ: Người cao tuổi là bà Võ Thị Năm cho biết con trai sẽ có đơn kháng cáo chỉ ra nhiều dấu hiệu bất cập trong hồ sơ vụ án. Tôi trân trọng kính đề nghị Hội đồng xế xử cấp Tòa phúc thẩm xem xét, giải quyết trả hồ sơ để được điều tra bổ sung, làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn LS!