Lựa chọn quà tặng là gói xét nghiệm, người hiến máu có thể phát hiện mình có mang gen thalassemia hay không?
Y tế 25/02/2020 15:17
Đây là câu trả lời của ThS.BS. Vũ Hải Toàn cho những băn khoăn của các bạn trẻ trong quá trình tham gia hiến máu tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương.
ThS.BS. Vũ Hải Toàn cho biết thêm: “Người hiến máu sau khi tham gia gói xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, Ferritin sắt huyết thanh và nếu có kết quả bất thường về bệnh lý thalassemia thì các bác sỹ của Viện sẽ tư vấn trực tiếp và chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh đồng thời hướng dẫn phương án phòng bệnh một cách hiệu quả nhất nhằm tránh sinh ra những đứa trẻ bị bệnh”.
ThS. Toàn khám cho một bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Ảnh BVCC) |
Từ tháng 11/2018, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã hoàn thiện và triển khai chương trình “Gói quà tặng xét nghiệm cho người hiến máu”. Người hiến máu tình nguyện ngoài việc nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây có thêm lựa chọn là nhận quà tặng bằng dịch vụ kiểm tra sức khỏe thông thường như các chỉ định xét nghiệm lượng đường, lượng mỡ, hay sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh, một căn bệnh di truyền và phổ biến hiện nay ở nước ta.
Chính vì vậy, khi tham gia hiến máu tình nguyện, việc nhận gói xét nghiệm theo phần quà tương đương sẽ giúp người hiến máu có thể biết được mình có mang gen thalassemia hay không mà không phải mất công đi làm xét nghiệm và lấy máu thêm một lần nữa.
Cơ chế di chuyển của bệnh tan máu bẩm sinh, khi cả hai bố mẹ mang gen thalassemia |
Để đảm bảo một cuộc sống gia đình hạnh phúc, các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con hoặc các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn nên có ý thức đi xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh.
Bệnh tan máu bẩm sinh (còn gọi là thalassemia) là bệnh máu di truyền – bẩm sinh phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Bệnh có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính. Hiện nay, theo ước tính Việt Nam có khoảng trên 12 triệu người mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh và trên 20.000 bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh thể nặng phải điều trị thường xuyên tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh thể nặng. Điều đó sẽ gầy ra nhiều hệ lụy cho gia đình người bệnh và cộng đồng. Người bệnh điều trị cả đời nên rất tốn kém chi phí, kéo theo đó là phải nghỉ việc, nghỉ học, đồng nghĩa đi kèm với các khó khăn về kinh tế. Nhiều gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Bệnh gặp ở tất cả các dân tộc, vùng miền trong cả nước. Tuy là bệnh mạn tính khó chữa nhưng lại là bệnh có thể chủ động phòng tránh bằng cách tham gia các xét nghiệm cơ bản nhất. |