Làng nghề đất cố đô
Xã hội 13/02/2020 08:30
Đi trên đường Lê Ngô Cát, du khách sẽ thấy người dân phơi chân hương và tạo màu “ngũ sắc” (đỏ, xanh, vàng, lục, tím). Trước đây, người Huế thường làm chân hương với màu đỏ là chủ đạo, nhưng hiện nay làng hương đã thay đổi nhiều trong cách làm hương. Sự đa sắc của chân hương trông rất đẹp mắt với những gam màu rực rỡ.
Công đoạn làm ra một cây hương, từ khâu chọn nguyên liệu, gồm: Ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Lõi hương được làm từ ruột tre chẻ nhỏ, phơi nắng nhiều ngày để khô và giòn.
Từ năm 1990 trở lại đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc, hương Thủy Xuân còn phục vụ thị trường rộng lớn cho các thương lái ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến tận nơi lấy hàng. Danh tiếng của hương Thủy Xuân đã vươn xa đến tận Lào, Thái Lan, Ấn Độ… Những cây hương nhỏ nhắn, tinh xảo, khi thắp (đốt) lên có mùi hương trầm dìu dịu. Tùy vào loại hương mà có giá cả khác nhau; hương trầm loại thông dụng giá 60.000đồng/bó (100 cây hương), loại đắt nhất là 200.000đồng/bó; hương quế 30.000đồng/bó. Với mức giá như vậy, một ngày mỗi người làm hương Thủy Xuân có thu nhập 200.000 đồng.
Hiện làng Thủy Xuân có khoảng hơn 50 hộ gia đình vừa làm nghề chẻ lõi tăm bán ra khắp tỉnh vừa làm hương bán sỉ. Trung bình mỗi tháng, một lao động nữ có thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng; công việc có thể làm quanh năm, thời điểm bận rộn nhất là các tháng gần lễ Phật đản, dịp Rằm tháng Bảy và Tết Nguyên đán. Người dân ở đây còn kết hợp vừa làm hương vừa làm các sản phẩm du lịch, bán các mặt hàng lưu niệm như tranh sơn dầu, quạt, đồ thổ cẩm để thêm thu nhập.
Đến Huế, sau khi tham quan Đại nội, lăng tẩm, chùa chiền hay đơn giản đón chút gió biển trên phá Tam Giang... bạn sẽ được hướng dẫn, trải nghiệm cách làm hương thủ công của làng Thủy Xuân để hiểu thêm về làng nghề của người dân nơi đây. Sự nhiệt tình, thân thiện của người Thủy Xuân đã thu hút du khách trở lại nhiều lần mỗi khi có dịp đến Huế. Làng hương Thủy Xuân đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô.