Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để các phong trào thi đua lan tỏa trong đời sống

Tuổi cao gương sáng 21/02/2025 14:35
Tôi nhớ hôm ấy là một ngày giữa tháng 8/2011, chú Đặng Văn Sớm, Chủ tịch Hội NCT TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, phân công tôi phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố tổ chức mở lớp tập huấn công tác NCT cho cán bộ Hội NCT cơ sở; gồm các chuyên đề: Luật NCT, công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT và phong trào “Tuổi cao- Gương sáng” tham gia xây dựng nông thôn mới. Bước vào lớp, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị trịnh trọng giới thiệu: “Tôi xin giới thiệu với các cụ, chú Mai Văn Bé Em là Ủy viên Thường trực Hội NCT thành phố sẽ phụ trách lớp tập huấn chúng ta”. Các cụ vỗ tay rần rần. Cán bộ ấy còn hỏi: “Các cụ thấy chú Bé Em có phong độ không ạ?”. Các cụ đồng thanh: “Phong độ”. Mặt tôi nóng hừng.
![]() |
Ngày đầu tiên làm báo cáo viên, tôi chọn bộ trang phục ưng ý nhất áo trắng, quần đen, thắt cà vẹt, mang giày, khoác chiếc áo veston đen với hi vọng “buổi đầu tiên ra mắt” mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Cán bộ Hội NCT cơ sở gồm nhiều đối tượng, trong đó có kĩ sư, bác sĩ, giáo viên, nhà văn, cán bộ cấp thành phố và tỉnh về hưu. Sau khi đại biểu dự khai mạc ra về, lớp tập huấn được giao lại cho tôi. Lúc đầu tôi cố gắng ra vẻ vui vẻ, tự nhiên cho các cô chú giới thiệu tên, họ của mình, tôi hỏi thăm thêm vài điều rồi không biết làm gì tiếp nữa. Thế là đành “chữa cháy” bằng cách mời một cụ lên văn nghệ đầu giờ, tôi vội vàng chạy xuống văn phòng cầu cứu, được hướng dẫn: “Chú nói cho các cụ biết những nội dung chương trình tập huấn, những ai là báo cáo viên phụ trách chuyên đề gì, thời gian tập huấn, những quy định giờ học, giờ giải lao”. Tôi chợt nhớ mình đã có chuẩn bị những nội dung ấy trong tờ giấy A4 để trong cặp, vì khớp mà quên mất. Quen cách xưng hô với học sinh Trường Y tế Kiên Giang. Vào lớp, tôi nói nhanh: “Hôm nay tôi trình bày với các em về những nội dung sau...”. Nhìn xuống hội trường, thấy các cụ tóc bạc phơ đáng tuổi cha ông, biết mình đã sai, tôi cúi đầu nhận lỗi. Khi ngẩng đầu lên tôi nghe “tẹt”. Trời ơ! Chiếc quần của tôi bị bung khóa kéo, sự cố khiến cho tôi toát mồ hôi vì tình thế hớ hênh. Thế là các cụ có trận cười nghiêng ngả, lòng tôi thì tan nát như bọt biển. Tôi di chuyển nhanh đến bục giảng xử lí nhanh gọn, cố tỏ ra thần thái bình tĩnh nhưng ngượng ngùng, đỏ mặt. Sau những phút giây hồi hộp trôi qua trong tiếng cười của các cụ rồi cũng qua đi, hội trường trở lại im lặng.
Tôi nghe có tiếng nói: “Báo cáo viên trẻ quá, không biết có đủ kinh nghiệm thuyết trình không?”. Có lẽ vì thế mà những phút ban đầu cả lớp nhốn nháo, xôn xao, có cụ che miệng cười. Tôi tự nhủ: Mình phải cẩn thận hơn trong từng lời nói, tác phong sao cho chuẩn mực, sao cho thuyết phục. Cũng may là sau đó các cụ tỏ ra thân thiện, cởi mở hơn.
Sau buổi đầu tiên làm quen với lớp đồng thời xây dựng nền nếp lớp, tôi bắt tay vào việc chuẩn bị cho những buổi thuyết trình chính thức của mình. Giáo án đã soạn xong những ngày trước nhưng xem đi xem lại vẫn thấy chưa ưng ý, lại sửa vài chỗ, đưa dẫn chứng thực tế vào bài thuyết trình. Tôi gặp các anh chị là báo cáo viên có kinh nghiệm học hỏi, hướng dẫn. Tôi sửa lại giáo án thêm một lần nữa, trong lúc thuyết trình kèm những câu hỏi tranh luận để lớp tập huấn thêm sinh động, hào hứng. Khi giáo án đã ưng ý, tôi đứng trước tủ kiếng tập thuyết trình để vợ và hai thằng con góp ý. Tôi luyện giọng nói đến cử chỉ, thái độ của người báo cáo viên phải có sự biểu cảm trên khuôn mặt. Tôi diễn đi, diễn lại đến lúc thuộc lòng các nội dung.
Bài giảng đã chuẩn bị kĩ lưỡng, ngày hôm sau tôi tự tin đứng trước lớp, dốc cạn lòng để truyền thụ cho các cụ về chuyên mục công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Thế là cả lớp, ai cũng khen: “Hôm nay thầy thuyết trình hay quá”. Tôi phì cười vì sung sướng. Thì ra, giáo án là một kịch bản, nếu chuẩn bị đầy đủ sẽ đảm bảo thành công của bài thuyết trình. Cô Trần Thị Kim, Chủ tịch Hội NCT phường Vĩnh Bảo, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nắm tay tôi động viên: “Báo cáo viên mới không thể đòi hỏi phải xuất sắc như những báo cáo viên thâm niên. Dù có sự bỡ ngỡ, có đôi chỗ chệch choạc nhưng lòng nhiệt huyết của cháu sẽ “cuốn” hút các cô chú theo sự hào hứng đầy cảm xúc của cháu trong buổi học. Ngày đầu tiên cháu làm báo cáo viên, thuyết trình như vậy là tốt lắm”.
Thì ra, tôi ngộ ra rằng, nếu chuẩn bị giáo án qua loa dễ làm người trình bày rơi vào tình trạng lúng túng, bị động, gây nhàm chán đối với người nghe, chất lượng bài thuyết trình không cao. Vì vậy, tôi chú trọng khâu soạn giáo án, nhưng không thể chỉ bê nguyên xi giáo án vào buổi thuyết trình vì làm như vậy chẳng khác nào “giáo án chết”, mà mình phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tình hình thực tế rồi điều chỉnh và bổ sung những tư liệu mới để bài thuyết trình sinh động và gắn với hơi thở cuộc sống. Đó chính là động lực thôi thúc tôi toàn tâm, toàn ý với công tác Hội NCT. Hôm sau, tôi đã “cháy” hết mình trong buổi thuyết trình về phong trào thi đua “ Tuổi cao - Gương sáng” góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Tôi đã trích đọc những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong trong Báo và Tạp chí Người cao tuổi. Qua đó, đã có 12/12 cơ sở Hội trên địa bàn thành phố Rạch Giá đã đăng kí thi đua phong trào “NCT tham gia xây dựng nông thôn mới”. Ngày bế giảng lớp tập huấn, nghe nhiều ý kiến của các cô chú khen tặng, tôi thấy vui và tiếp nhận những cái bắt tay chúc mừng các cụ và thầy cô giáo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Rạch Giá. Năm ấy, tôi được Hội NCT tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tặng Bặng khen, được báo cáo tham luận về đề tài “Phát huy vai trò NCT”, vận động người dân ủng hộ để xóa nhà tạm cho 8 hộ NCT nghèo, nâng cấp 1.500 m đường giao thông nông thôn.
Nhớ kỉ niệm ngày đầu làm báo cáo viên cho NCT, thực tế trong cuộc sống, ai cũng có thất bại và sai lầm, xuất phát từ yếu tố hoàn cảnh khách quan và yếu tố chủ quan của mỗi người. Nhưng qua lỗi lầm, mình hiểu và trân quý để sửa và cố gắng gặt hái trong tương lai. Tôi cảm thấy hạnh phúc và trân trọng quãng thời gian tốt đẹp khi được tham gia công tác NCT và Hội NCT.