Khai mạc Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc
Nhịp sống văn hóa 16/04/2021 16:40
Liên hoan là hoạt động thiết thực kỉ niệm 5 năm triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đối tượng tham gia là các diễn viên, nghệ nhân của 18 đơn vị thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc có nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn.
Một tiết mục trong Lễ Khai mạc |
Liên hoan được tổ chức với mục đích bảo tồn, truyền dạy và phát huy giá trị thể loại nghệ thuật cổ truyền hát văn, hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong khoảng thời gian thế kỉ 12 - 13 của tín ngưỡng thờ Mẫu và Đức thánh Trần, nhằm tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân có tinh thần tương thân, tương ái, gắn kết cộng đồng, phát huy truyền thống dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung nhấn mạnh, thông qua hoạt động này đã góp phần đưa nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn vốn trước đây bị lẩn khuất trong các sinh hoạt đền, phủ thì nay bước ra trình diễn trước công chúng bằng những vũ điệu mê hoặc trên nền nhịp phách độc đáo, mềm mại, quyến rũ, khỏe khoắn và vui tươi.
Phó Cục trưởng nhấn mạnh, thật hiếm có thể loại nghệ thuật nào chứa đựng nhiều chất nữ tính của Thánh Mẫu trong Tứ phủ lại tạo được hưng phấn tột độ, góp phần làm nghiêng ngả cả bóng cô đồng lẫn người thưởng lãm. Đó chính là nghệ thuật của trái tim hướng thiện, khiến công chúng phải tò mò, háo hức khám phá. Đồng thời, lí giải sức sống mãnh liệt của hát Văn, hát Chầu văn trong đời sống tâm linh người Việt, cũng như tính xã hội hóa cao của di sản văn hóa phi vật thể này.
Liên hoan là cơ hội gặp gỡ, quy tụ các diễn viên, nghệ nhân đến từ 18 đơn vị tỉnh, thành trên toàn quốc có nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn về Đền Chân Suối, trong khung cảnh tĩnh lặng giữa rừng già thâm nghiêm của khu vực núi thiêng Tam Đảo- nơi yên nghỉ của hai mẹ con Quốc Tổ mẫu Đào Liễu và Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu đã có công giúp vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược nhà Thục.
Ngay trong đêm khai mạc, khán giả đã được thưởng thức những tiết mục đặc sắc đến từ các đoàn Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nam Định. Đoàn “chủ nhà” Vĩnh Phúc “thết đãi” người xem với các tiết mục: “Nghi thức Chúa Bà đệ Nhất Tây Thiên”, “Vĩnh Phúc Thiên anh hùng ca”, hát văn “Ai về Vĩnh Phúc hôm nay”, “Chầu văn Quan Hoàng Mười”.
Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa với Nghi thức “Quan đệ nhị”, Nghi thức “Chúa Thác Bờ”, Nghi thức “Cô chín Giếng”, Nghi thức “Quan lớn Tuần Tranh”. Trung tâm Văn hóa tỉnh Nam Định với các tiết mục: Nghi thức “Ông Hoàng Mười, Cô đôi thượng Ngàn” và hát văn “Hội làng, Tây Thiên miền đất linh thiêng”.
Trong các ngày 16-18/4/2021, Liên hoan sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều nội dung, tiết mục trình diễn đặc sắc, tôn vinh nét đẹp và giá trị văn hóa, nghệ thuật của loại hình nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn.