Theo đánh giá của Hà Nội, các doanh nghiệp triển khai thi công hạ ngầm các đường dây viễn thông, điện lực trên địa bàn thành phố còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu…
|
Thi công hạ ngầm tuyến cáp trên đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN) |
Mới đi được 1/4 “chặng đường”Việc triển khai hạ ngầm các tuyến cáp viễn thông, điện lực được khởi động từ Biên bản ghi nhớ giữa Hà Nội và VNPT, MobiFone, Viettel, EVN Hà Nội ngày 4/6/2016 (giai đoạn 2016-2020).
Tới nay, đã có ba đợt hạ ngầm. Cụ thể, đợt 1 (năm 2016) đã hoàn thành cắt hạ ngầm các đường dây điện lực và thông tin viễn thông, cắt bỏ dây cũ, cột cũ tại 17/18 tuyến phố. Hiện nay, ở phố Thụy Khuê, phần điện lực đã hoàn thành còn MobiFone đã nộp hồ sơ xin giấy phép và dự kiến thi công phần viễn thông với rải ống cáp ngầm chiếu sáng từ nay tới cuối 2018.
Đợt thứ 2 (58 tuyến, đầu năm 2017) đã hoàn thành 30/58 tuyến, hoàn thành hạ tầng và đang hạ ngầm 3 tuyến, đang thi công 6 tuyến.
Với 16 tuyến còn lại trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng đã có văn bản thống nhất hướng tuyến, biện pháp thi công và đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm triển khai thi công cải tạo, hạ ngầm hệ thống chiếu sáng. Tuy vậy, hiện còn 13/16 tuyến này chưa thi công cả điện lực và viễn thông.
Trong khi đó, ở đợt thứ 3 (45 tuyến, phê duyệt cuối năm 2017), Sở Xây dựng đã hướng dẫn, mời các Sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường, có văn bản thống nhất hướng tuyến, biện pháp thi công đồng thời tại 18 tuyến phố. Còn lại 27 tuyến chưa nộp bản vẽ thiết kế và biện pháp thi công chung cho Sở Xây dựng.
Về đợt 4, ngày 7/8 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Hà Nội có văn bản chấp thuận mục hạ ngầm 56 tuyến phố trên địa bàn 11 quận nội thành...
Theo cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đã cố gắng triển khai thực hiện chủ trương của hà Nội, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai. Tuy nhiên, tới nay, tổng cộng cả ba đợt mới hoàn thành 50/121 tuyến (đã cắt dây hạ cột 47 tuyến và đang hạ ngầm 3 tuyến). Và theo đánh giá thì “các doanh nghiệp triển khai thi công còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Nhân dân thành phố.”
Đẩy nhanh tiến độ cách nào?Theo đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội, thực tế có tình trạng thi công chậm song đánh giá tổng thể thì các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực. Đây cũng là dự án xã hội hóa, do chính doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư.
Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ cũng có những lý do khách quan như vào tháng Sáu, Hà Nội yêu cầu bổ sung thêm việc hạ ngầm hệ thống chiếu sáng cùng với hạ ngầm hệ thống cáp viễn thông, điện lực; một số dự án trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện đang chờ thực hiện đồng bộ với việc chỉnh trang các tuyến phố…
Ngoài ra, chỉ đạo của Hà Nội với các tuyến thi công năm 2018 là các đơn vị phối hợp với nhau lập biện pháp thi công chung, xin một giấy phép thi công để tránh trường hợp đào đi, đào lại, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thế nhưng, theo Sở Xây dựng thi công tác phối hợp triển khai còn chậm.
Theo một doanh nghiệp viễn thông, nguyên nhân chậm có nhiều. Ví dụ như Sở Giao thông vận tải cấp phép khi Sở Xây dựng có quyết định chấp nhận phương án thi công đồng bộ của điện lực, chiếu sáng, viễn thông. Và, nếu chỉ một đơn vị chậm, thì các đơn vị kia phải chờ… Do đó, đến nay mới triển khai thi công đồng thời tại hai tuyến phố là Lý Nam Đế và Lê Văn Linh.
Để công tác hạ ngầm đạt đúng tiến độ, Sở Xây dựng đề xuất Sở Giao thông vận tải xem xét rút ngắn thời gian cấp phép thi công; EVN Hà Nội khẩn trương bố trí vốn và đôn đốc các công ty điện lực quận triển khai; Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc đơn vị viễn thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thi công tại các tuyến phố đã nộp biện pháp thi công.
Cùng lúc, cơ quan chức năng cũng đề nghị các đơn vị điện lực, viễn thông phải lập ban chỉ đạo thực hiện việc ngầm hóa, khẩn trương thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đúng quy định…/.
VIETNAM+