Hà Nội: “Đất vàng” số 4 Trần Hưng Đạo bao giờ hết bỏ không?
Bất động sản 26/03/2020 10:54
Khu đất số 4 Trần Hưng Đạo |
Khu đất tại số 4 Trần Hưng Đạo có nguồn gốc từ Nhà máy Nước Đồn Thủy, với tổng diện tích hơn 8.000m2. Năm 1985, Sở Giao thông Công chính Hà Nội có quyết định chuyển giao cho Công ty Cơ điện Công trình (MESC) 4.382,84m2 làm trụ sở làm việc và sản xuất kinh doanh. Diện tích này sau đó đã được cấp "sổ đỏ" cho MESC.
Theo thông tin trên Báo Công an Nhân dân, năm 1998, MESC có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội chuyển đổi MESC thành công ty cổ phần và được chấp thuận. Thời điểm đó, lãnh đạo công ty đề nghị chuyển đổi diện tích đất ở số 4 Trần Hưng Đạo sang công ty cổ phần.
Tháng 9/1999, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa bộ phận số 4 Trần Hưng Đạo thành Công ty CP Sông Hồng với vốn điều lệ là 6,744 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cổ phần của MESC là 35%, tương đương 2,36 tỷ đồng.
Đến tháng 8/2000, UBND TP. Hà Nội ra quyết định Công ty CP Sông Hồng chuyển lại cho MESC tòa nhà 4 tầng làm trụ sở làm việc có trị giá 1,5 tỷ đồng cùng một xe ô tô 9 chỗ và 75 triệu đồng tiền mặt. Tổng giá trị chuyển giao là 1,6 tỷ đồng. Sau khi chuyển giao, tỷ lệ cổ phần của MESC (vốn nhà nước) ở Công ty CP Sông Hồng chỉ còn 758,6 triệu đồng, tương đương 14,75%.
Theo tìm hiểu, ngày 27/8/2003, ban lãnh đạo MESC đã thanh lý hợp đồng thuê 4.382m2 đất giữa MESC với Sở Địa chính nhà đất Hà Nội và ký hợp đồng thuê đất mới. Theo đó, MESC chỉ còn sở hữu 281m2 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng làm trụ sở làm việc của công ty.
Số diện tích còn lại 4.086m2 được chuyển cho Công ty CP Sông Hồng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm Trụ sở và cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu, cho thuê nhà, dịch vụ vui chơi giải trí.
Cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đều có thời hạn sử dụng là 30 năm, kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030.
Sau nhiều lần trao đi, đổi lại đến nay toàn bộ khu đất này thuộc quyền sử dụng của Công ty CP Sông Hồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Sông Hồng dự kiến trên sẽ xây dựng tòa cao ốc 21 tầng trên khu đất này. Vào cuối năm 2015, Công ty CP Sông Hồng có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phan Chu Trinh xin phá dỡ công trình tại số 4 Trần Hưng Đạo và xúc tiến triển khai một dự án chung cư cao cấp.
Biển quảng cáo rác nát, nhếch nhác bao quanh khu đất |
Tập đoàn TNG Holdings thâu tóm đất vàng?
Theo ghi nhận của Ngày mới Online, thời điểm từ đầu năm 2018 đến đầu năm 2019, toàn bộ khu đất số 4 Trần Hưng Đạo bị biến thành điểm trông giữ xe và rửa xe. Việc trông giữ xe, rửa xa tại khu đất này gây ồn ào, mùi xăng xe, nước rửa xe, xe ra vào liên tục gây ảnh hưởng rất lớn đến những người dân sống xung quanh, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe những người cao tuổi. Nhiều bạn đọc là người cao tuổi đã phản ánh thông tin đến các cơ quan báo chí.
Khoảng tháng 4/2019, trước những phản ánh và bức của người dân, báo chí lên tiếng phản ánh, việc trông giữ xe, rửa xe tại khu đất này được dừng lại, từ đó đến nay, khu đất vàng ở số 4 Trần Hưng Đạo đang bỏ không, phơi sương hết ngày này qua tháng khác mà chưa có dấu hiệu triển khai dự án.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, người cao tuổi sinh sống gần khu đất này cho biết: “Khu đất bị bỏ không rất nhiều năm nhưng không thấy triển khai, nghe đâu tới đây sẽ xây dự án căn hộ cao tầng nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Nếu đơn vị sử dụng khu đất không đủ khả năng triển khai dự án thì nên thu hồi để tránh lãng phí”.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên, xung quanh dự án đang được quây tôn, bên ngoài các tấm tôn này từ nhiều tháng nay xuất hiện nhiều biển bảng quảng cáo căn hộ cao cấp, quảng cáo dự án có logô, thương hiệu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (thành viên của TNG Holdings). Việc các hình ảnh, thương hiệu của TNG Holdings xuất hiện bên ngoài khu đất khiến nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn khu đất số 4 Trần Hưng Đạo đã “về tay” TNG Holdings?
Trên thực tế, nếu theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp có thời hạn sử dụng là 30 năm, tính từ năm 2000, thì đến nay thời hạn sử dụng khu đất số 4 Trần Hưng Đạo chỉ còn khoảng 10 năm. Với thời hạn sử dụng đất như vậy, liệu có đủ điều kiện để thực hiện dự án nhà ở? Có chăng, việc khu đất bị bỏ không hoang phí hết ngày này qua tháng khác ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, Tp Hà Nội là để “đợi” chủ đầu tư xin thay đổi thời hạn sử dụng đất, xin thay đổi quy hoạch, xin nâng tầng?
“Còn tiếp”