Giữ lửa làng nghề truyền thống nặn tò he
Xã hội 24/12/2022 10:13
Phú Xuyên là huyện ngoại thành phía Nam TP Hà Nội, được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống độc đáo nổi tiếng, trong đó có làng nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực. Làng nghề tò he không rõ chính xác có từ khi nào, những nghệ nhân nặn tò he làng Xuân La cũng chỉ ước nghề này có khoảng trên 300 năm.
Sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã có những tác động và ảnh hưởng không nhỏ vào sức sống của làng nghề tò he. Việc duy trì làng nghề tò he Xuân La trở nên hết sức khó khăn khi đồ chơi nước ngoài, đặc biệt là “cơn bão” hàng Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Đã có những lúc, tò he tưởng chừng bị quên lãng, những nghệ nhân tưởng như không thể trụ được bằng nghề truyền thống. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng có nhiều nghề thu nhập cao để làm giàu, việc lựa chọn nghề truyền thống mưu sinh rất ít.
Không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề ngày càng mai một, những nghệ nhân vẫn luôn ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he, đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề cổ của làng.
Nghệ nhân Đặng Đình Noãn. |
Dù tuổi đã cao nhưng với tâm huyết và kinh nghiệm của bản thân, nghệ nhân Đặng Đình Noãn cùng với thế hệ NCT đã và đang truyền dạy lại các kĩ năng, kinh nghiệm cho các thế hệ con cháu. Việc làm này không chỉ góp phần giúp phát triển kinh tế của địa phương mà quan trọng hơn là chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tinh hoa tốt đẹp của các làng nghề.
“Từ bé khi nhìn cha ông nặn tò he, tôi đã rất thích và theo nghề từ đó đến giờ. Để có thể giữ gìn được nghề này, các con cháu của tôi, tôi cũng đều truyền dạy ngay từ khi còn nhỏ, nhờ vậy đến nay các cháu đều biết nặn tò hè dù có theo nghề này hay không”, nghệ nhân Đặng Đình Noãn, thôn Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên tâm sự.
Bên cạnh đó, việc Câu lạc bộ (CLB) Nghệ nhân tò he Xuân La ra đời năm 2009 cũng là bước ngoặt góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề. CLB đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách tham quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống…
Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn – Chủ nhiệm CLB nghệ nhân tò he Xuân La |
Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn, Chủ nhiệm CLB nghệ nhân tò he Xuân La cho biết: “Cứ dịp cuối tuần, tôi cùng các nghệ nhân trong làng sẽ đem tò he lên phố đi bộ hồ Gươm, không chỉ bán các sản phẩm nặn sẵn mà còn tạo điều kiện cho trẻ em và du khách được trải nghiệm tự tay nặn tò he theo ý thích. Hoạt động này không chỉ góp phần giữ gìn mà còn quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian cho người dân trong và ngoài nước”.
Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ không khó khăn gì để nặn được tò he, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo cùng với trí tưởng tượng phong phú. Nếu như ngày trước, các hình mẫu để nặn tò he chủ yếu là các loại cây, quả, con giống, hình người trong tuyện cổ tích… thì bây giờ tò he phong phú hơn rất nhiều.
Theo nghệ nhân Đặng Đình Noãn, ngoài việc giữ lửa nghề truyền thống, người nghệ nhân còn cần nghiên cứu, tìm ra phương pháp có thể bảo quản bột tốt để mọi người giữ tò hè được lâu hơn. Ngoài ra, cũng cần phải đổi mới, sáng tạo trong mỗi sản phẩm tò hè nhằm thu hút không chỉ đối tượng nhỏ tuổi mà cả người lớn.
“Muốn cạnh tranh được với đồ chơi nhập ngoại, chúng tôi cũng cần bắt nhịp xu hướng, sản phẩm không chỉ đơn giản là con vật mà còn có những nhân vật trong chuyện cổ tích, mà trẻ em yêu thích như Doremon, Tôn Ngộ Không, siêu nhân, Elsa… cho đến những nhân vật lịch sử, nhân vật hay khung cảnh trong tác phẩm văn học”, nghệ nhân Đặng Đình Noãn chia sẻ.
Bà Đinh Thị Hương, Chủ tịch Hội NCT xã Phượng Dực cho biết: “Hội NCT xã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho hội viên về việc truyền nghề cho thế hệ con cháu để có thể giữ gìn và phát huy nghề truyền thống”.
Hiện nay, NCT làng Xuân La vẫn trực tiếp làm và truyền dạy cho con cháu những sản phẩm của làng nghề. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của họ là làm sao thời gian tới làng nghề tiếp tục phát triển và những thế hệ sau luôn tự hào, coi trọng và gìn giữ sản phẩm để trò chơi dân gian truyền thống này không bị mai một, bởi đó là tâm huyết, là nét văn hóa đặc trưng của cha ông đã truyền lại.