Giải quyết việc làm cho người lao động
Kinh tế 21/06/2018 09:57
Ước tính, trong 6 tháng đầu năm các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức được 560 phiên giao dịch việc làm, bình quân một phiên khoảng 25 - 30 doanh nghiệp tham gia. Số người tham gia khoảng 400 - 450 lao động/phiên, trong đó khoảng 200 - 230 lao động được sơ tuyển/phiên.
Nhằm phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm.
Đối với xuất khẩu lao động, sẽ triển khai các giải pháp duy trì và phát triển thị trường ngoài nước lao động, thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, chấn chỉnh một số doanh nghiệp còn nhiều vụ việc tồn đọng liên quan đến người lao động tại các thị trường tiếp nhận lao động tại Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Saudi Arabia, Algeria.
Khâu đột phá tạo việc làm ổn định, bền vững
Trong Kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, nhiều đại biểu nêu quan điểm cần coi việc tăng năng suất lao động là nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có cuộc khảo sát, đánh giá đầy đủ về tình hình chất lượng năng suất lao động Việt Nam hiện nay, xem xét yếu điểm, từ đó khẩn trương xây dựng chiến lược hệ thống chính sách giải pháp để nâng cao chất lượng năng suất lao động nếu không muốn tụt hậu.
Giải đáp về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu rõ, lao động Việt Nam thời gian qua có nhiều tiến bộ, chuyển dịch lao động theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, tính bền vững của việc làm không cao, kể cả về thu nhập, môi trường lao động. Lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao; thiếu nguồn nhân lực quản lí và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực. Việc làm cho sinh viên ra trường còn khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp còn cao...
Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã chọn giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá để tạo ra việc làm ổn định, bền vững. Bộ tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giảm được 252 trung tâm cấp huyện, 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không hiệu quả. Đồng thời, Bộ chuyển sang đào tạo lao động theo định hướng và địa chỉ đặt hàng trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Đến quý I/2018, đã thí điểm 10 trường kí kết với 15 tập đoàn trong nước, quốc tế để đào tạo theo địa chỉ 150.000 người trong 3 năm 2018 - 2020.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm
Truyền thông đóng vai trò quan trọng
Bộ chủ động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về việc làm thông qua nhiều biện pháp như: Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử về việc làm tại địa chỉ website: vieclamvietnam.gov.vn với nhiều nội dung: Thông tin chủ trương, chính sách của Nhà nước về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lí lao động; thông tin thị trường lao động tại các địa phương trên cả nước, nhu cầu việc làm của người lao động, nhu cầu lao động của doanh nghiệp...
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các báo, đài, kênh truyền hình của Trung ương, địa phương về chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; xuất bản các ấn phẩm, tờ rơi, sách tìm hiểu, hỏi đáp về bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn các Sở LĐ-TB&XH, các Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường phổ biến thông tin chính sách pháp luật, thông tin về lao động, việc làm qua các hội nghị, hội thảo, các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; các phiên giao dịch việc làm...
Phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lí lao động... nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động...
Hoàng Trang