Gần trăm tuổi vẫn vui, khỏe, yêu đời
Tuổi cao gương sáng 24/01/2025 10:14
Ung dung tự tại, trọng hỉ
Ông cụ đứng thẳng, đôi mắt không dùng kính, nhìn vào trang giấy ở trên đôi bàn tay, trang trọng và khiêm nhường! Cụ nói sang sảng, mạch lạc. Mọi người hướng về cụ, nhiều ông bà ghi hình, ghi âm lời cụ. Sau phần giao đãi, cụ nhắc lại lời mở đầu thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các vị phụ lão cả nước, tháng 6/1941: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng; đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu; nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão gánh trách nhiệm rất nặng nề…”.
Kết thúc lời phát biểu, với phong thái ung dung tự tại, lão thực, cụ tặng mỗi đại biểu được mừng thọ một chiếc bát bằng gốm Bát Tràng có in 100 chữ Thọ. Những hành vi, cử chỉ ấy của cụ đã tạo cho buổi lễ thêm ấm áp nghĩa tình giữa ngày Xuân.
Cụ Phạm Tấn Trình phát biểu tại Lễ mừng thọ đầu Xuân 2024. |
Cụ mang quý danh Phạm Tấn Trình, sinh năm 1929, nguyên cán bộ Phòng Trang bị cấp dưỡng (P4) trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu 4 năm liên tục (1949-1953). Trước khi nghỉ hưu (1989), cụ là Giám đốc Công ty Vận tải đường thủy Hải Dương. Hiện cụ sinh sống cùng cụ bà Bùi Thị Bích (sinh năm 1927, đồng đội kháng chiến chống Pháp ở số 12, phố Minh Khai, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Cụ bảo, nhà cụ có 4 cựu binh (sau 2 cụ là 2 Đại tá quân đội nghỉ hưu: Ông Phạm Nguyên Dân-con cả, nguyên Phó trưởng phòng Quản lí môi trường thuộc Cục Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Quốc phòng và ông Phạm Nguyên Hùng (con thứ 4, nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh). Những dịp hội tụ đại gia đình, 10 đứa cháu và 9 đứa chắt vây quanh, đủ làm cho hai cụ như trẻ lại đến mươi niên…
Tận mắt, tận tai chiêm ngưỡng cụ Trình tại Lễ mừng thọ (nói trên), tôi lại nhớ những năm 1975 - 1979, chúng tôi và người con cả của cụ (ông Phạm Nguyên Dân) cùng học đào tạo sĩ quan tại Học viện Hậu cần, nên có nhiều dịp qua lại nhà cụ. Hồi ấy cụ Trình là thủ trưởng cơ quan quản lí đường bộ Hải Dương, tuổi độ 45-50 “đẹp trai lai Pháp”- Ấy là cánh nhân viên trong cơ quan trêu cụ vậy. Một lần ông Dân và tôi trao đổi về ý nghĩa của từ “Hạnh phúc”, đến tai cụ, cụ nói gọn, rõ như cụ nói về chữ Thọ vậy: “Hạnh phúc là trạng thái của một tinh thần khỏe mạnh trong một cơ thể cường tráng”. Hát “Tình ca du mục”: Lần theo dấu vết em đi/ Tìm đâu cho thấy em tôi/ Tình yêu bốc cháy trong tim phút giây nào nguôi, cụ modifier: “Tình yêu bốc cháy trong tim không cần bật diêm”, làm 2 anh học viên trường lính phục lăn!
“Bảo tàng” Tạp chí Người cao tuổi
Cụ Trình đặt mua Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi sau ngày số báo in đầu tiên được xuất bản (1/10/1995) không lâu. Cụ lưu giữ các số báo rất cẩn thận. Cụ đọc báo rất kĩ, đặc biệt là với các chuyên mục “Trong mắt người già”, “Vì người cao tuổi”, “Cùng suy ngẫm”, “Gương sáng”, “Sức khỏe”, “Trao đổi - nghiên cứu”, “Văn hóa - Thể thao”...
Từ khi có điện thoại thông minh, cụ lập trang zalo cá nhân. Nội dung trang rất phong phú, nhưng chủ yếu là các bài trên Tạp chí Người cao tuổi (đặc biệt là bài, tin thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cả về thể xác (như cách phòng, chữa bệnh) cả về tinh thần (như truyện vui, tranh ảnh, thơ ca), được cụ chụp cẩn thận, độ nét cao, rồi đăng lên, ai cũng đọc được. Tôi đã đọc hàng trăm tấm ảnh như thế trên trang của cụ. Đại tá Lê Lai, hiện ở TP Hồ Chí Minh, bạn của ông Dân phải thốt lên: “Hằng tuần cụ đều gửi tin zalo cho tôi để dạy dỗ, căn dặn. Cực kì hiếm! Một cụ già ngót trăm tuổi ngày ngày vẫn đọc báo chí, đưa những điều hay, lẽ phải lên mạng, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng tôi đề nghị cụ Trình phổ biến thêm về cách để sống vui, sống khỏe, sống có ích, liền được cụ cho đọc bài thơ cụ viết ngày 10/1/2025:
Ngẫm bí ẩn cuộc đời
Trước cứ nghĩ tuổi già rồi tẻ nhạt
Sợ tháng ngày cứ vun vút trôi nhanh
Sợ tóc bạc, sợ nếp nhăn trên mặt
Sợ lãng quên, không nhớ cả tên mình
Nhưng nay thấy tuổi già không như thế
Tháng ngày trôi chầm chậm giữa niềm vui
Tóc có bạc nhưng tâm hồn mãi trẻ
Nếp nhăn kia chẳng xóa nổi nụ cười
Trước cứ nghĩ tuổi già rồi chỉ thấy
Những chiều đông mây xám phủ ngang trời
Những đêm dài chợt một mình thức dậy
Rất cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời
Nhưng nay thấy tuổi già rồi vẫn có
Những sớm đầu Xuân hoa nở khắp nơi
Những chiều cuối Thu nắng vàng rực rỡ
Và những đêm đông ấm áp tình người
Bí ẩn cuộc đời bây giờ đã rõ
Buồn hay vui chẳng phải tại tuổi già
Chẳng phải tại mùa Đông hay mùa Hạ
Nghĩ suy rồi, chỉ tại chính Tâm ta!”