Duyên thông gia
Nhịp sống văn hóa 11/09/2020 11:00
Bà Trần Thị Phòng nghe con gái nói bạn giai tên là Hòa thì nhìn chằm chằm vào mắt chàng trai. Nghe anh ta nói đến câu: “Mẹ cháu tên là Kiều Thị Nụ, sinh năm 1914” thì bà Phòng tươi cười ngắt lời anh: “Nếu là bà Nụ vợ ông Cung thì ngày mai anh cho tôi gặp bà cụ”…
Hòa và Oanh nghe bà Phòng nói, chưa hiểu “Đầu cua tai nheo” thế nào. Nhưng thấy bà vui vẻ, cả hai mừng quýnh. Ngay hôm sau anh chị dùng xe đạp đưa bà Phòng về làng Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa.
- Thế bà chị vẫn mạnh đấy chứ? Bà Phòng vừa lên tiếng, vừa đặt hai bàn tay của mình vào đôi bàn tay của bà Nụ đang giơ ra đón từ đầu cổng. Bà Nụ cười hồn hậu:
- Tôi cũng tàm tạm. Nhưng nay vào tuổi 67 rồi! Bằng sao được bà mới “ngoài 55” nhỉ!
- Vâng! Em sinh năm Quý Hợi 1923. Kém bà những 9 tuổi! Hồi em làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc huyện Yên Dũng, tham gia bảo vệ giành chính quyền cách mạng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám, em đã nghe các ông lãnh đạo tỉnh nói về những hoạt động cách mạng xuất sắc của bà. Chúng em phục lăn. Sao mà bà chị gan góc, tài giỏi thế!
- Thì “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”. Chị em bên Yên Dũng cũng giỏi giang lắm, có kém gì.
Cụ Trần Thị Phòng kể lại chuyện “duyên thông gia” cho con cháu. |
- Nhưng em thì chỉ “Tiền khởi nghĩa” thôi. So với bà, “Lão thành cách mạng” thế nào được! - Bà Phòng ngừng một chút rồi tiếp - Bây giờ cháu Hòa lại tìm hiểu con Oanh… Nói thật với bà, em có đứa con trai tên là Nguyễn Văn Hòa, hi sinh năm 1971 ở chiến trường B. Giờ có chàng trai cũng tên là Hòa, cũng khỏe mạnh, đẹp trai như nó, muốn làm con rể. Em thật sự thấy vui. Tưởng như giời phật sắp đặt. Nhưng em còn e. Vì so với bà chị, em kém, không được “môn đang hộ đối”…
Bà Nụ đưa cho bà Phòng miếng trầu vừa têm xong, tươi cười:
- Ấy! Sao bà lại nghĩ thế! Đều là “cách mạng” cả. Mà bà có khi còn chưa biết hết, chứ chúng mình có điểm giống nhau, là đều không sinh ra ở đất Hiệp Hòa này. Hồi ấy, bà thì từ Yên Dũng theo ông “Việt Minh” sang. Tôi thì được ông cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ về đây tham gia cướp chính quyền...
- Lại nói đến tình duyên. Em lận đận lắm! Lấy người thứ nhất chưa kịp có con nhưng cũng thuận lòng chia tay. Vì điều kiện công tác không phù hợp. Còn ông Nguyễn Thế Vinh, quê Nghệ An ra Hà Nội hoạt động cách mạng, được trên cử về làm cán bộ Việt Minh huyện Hiệp Hòa như bà vừa nói đấy, là người thứ hai. Sau hòa bình 1954, ông Vinh nhà em chuyển sang công tác ở Ty Lao động tỉnh Thái Nguyên. Đến 1980 thì hưu. Vợ chồng em sinh hạ 6 đứa con. Cháu Hòa liệt sĩ, giờ còn 5. Vì không có ai thân thích ở đây nên em sớm nghỉ hoạt động để nuôi dạy các cháu cho chồng yên tâm công tác…
- Thế thì khác gì nhau! Bà Nụ tiếp lời - Tôi lấy chồng lần đầu từ năm 1925, lúc 11 tuổi. Ông ấy con nhà địa chủ, nhưng lại là cộng sản, cứ để tôi ở nhà mà đi biền biệt. Sau sự kiện thành lập Đảng 3/2/1930, ông ấy về. Lúc đó cả nhà mới tỏ, ông ấy bị địch bắt, tra tấn đến tiệt đường sinh sản. Ông khuyên tôi lấy người khác, nhưng vẫn coi tôi là người thân trong gia đình. Tôi nghe lời ông với niềm thương cảm. Thế rồi, tôi tham gia những việc chống thực dân đế quốc, phong kiến để trả thù cho ông ấy. Quá trình hoạt động được đảng viên Nguyễn Văn Cung giác ngộ, dìu dắt rồi nên duyên. Ông Cung nhà tôi, về sau công tác bên Bộ Ngoại giao, làm Tham tán tại một số nước xã hội chủ nghĩa cho đến khi nghỉ hưu. Tôi công tác đến đầu thập kỉ 70 thì nghỉ, tập trung nuôi dạy 5 đứa con nên người...
- Thế là bên bà chị có “Đôi lão thành cách mạng”.
- Bên bà cũng “Đôi Tiền khởi nghĩa” đấy thôi. Cảnh ngộ tương đồng, thông gia càng quý! Chị em mình phải hướng cho các con cháu “Giấy rách giữ lề”, phát huy truyền thống gia đình cách mạng…
Sau buổi hai bà mẹ gặp nhau, hai ông bố và mọi người trong gia đình đều tán đồng ý kiến của hai bà. Đôi uyên ương Nguyễn Công Hòa - Nguyễn Kim Oanh sớm kết hôn. Hạnh phúc gia đình hòa trong hạnh phúc dân tộc. Hai cụ ông quy tiên khi đã “ngoại bát tuần”. Cụ Nụ cũng về cõi vĩnh hằng năm 2013, thọ 99 tuổi. Hiện tại cụ Phòng đang ở tuổi 97. Cụ vẫn nhanh nhẹn, tinh tường, dạy bảo con cháu rất cẩn thận.
Kể từ khi kết hôn đến nay, hằng năm vào dịp kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, gia đình ông bà Hòa - Oanh đều tổ chức ôn lại lịch sử truyền thống của đời cha, đời ông. Con cháu các cụ đều thấm sâu đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, nhiệt thành tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tất cả đều yêu lao động, trọng nhân cách, chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và luôn luôn làm tròn nhiệm vụ.