Dự án FLC ở Quảng Ngãi: Xáo động ở Ba Làng An
Tin tức 23/04/2018 09:20
Một phần biển đảo tiền tiêu Lý Sơn sẽ bị thu hồi, giao cho FLC làm dự án du lịch . Ảnh: THANH HẢI |
Vùng biển, vùng lãnh hải này không chỉ là vùng đất quan trọng trong chiến lược phòng thủ an ninh quốc phòng mà còn là mỗi ngày, hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi vẫn bám biển, vươn khơi làm ăn, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Thế nên Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vội vàng thúc hối cả bộ máy chính trị của địa phương thần tốc tạo điều kiện cho FLC triển khai dự án đã và đang gây xáo động nơi đây.
Thần tốc giao dự án
Ngày 17/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Trần Ngọc Căng đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo phương án giai đoạn 1 của dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn. Ngay sau đó, 17/4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phát đi một thông báo hỏa tốc, đến các sở, ngành, huyện, xã, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Căng về việc khẩn trương triển khai ngay các thủ tục để tạo điều kiện cho FLC khởi công dự án này dịp 19/5/2018.
Đi kèm với chỉ đạo mang con dấu hỏa tốc này, chỉ cuối tháng 4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo công tác quản lý đất; điều chỉnh quy hoạch; quyết định thành lập tổ công tác liên ngành gồm cán bộ từ tỉnh xuống huyện, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất… Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giúp sức cho FLC chớp nhoáng triển khai nhanh dự án.
Đáng nói, đây không phải là dự án nhỏ, phạm vi ảnh hưởng không lớn mà dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn chiếm đến 1.243ha (chỉ giai đoạn 1), đã bao trùm thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Dự án gồm các hạng mục sân golf, khách sạn, hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng... Được biết, cả giai đoạn 2 của dự án sẽ có diện tích trên 4.000ha.
Với một dự án có quy mô lớn gần như bao chiếm hết vệt ven biển, quần đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, nằm vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, nhưng chính quyền Quảng Ngãi quá sốt sắng triển khai, bỏ qua hàng loạt các trình tự thủ tục đầu tư đã khiến cho dự án FLC ở Quảng Ngãi lập tức trở thành tâm điểm phản ứng của dư luận cả nước.
Chỉ đạo sốt sắng của ông Trần Ngọc Căng còn bộc lộ sự bất thường khi điều chỉnh vị trí đầu tư xây dựng đồn biên phòng Bình Hải. Bởi chính ông Căng vừa ký quyết định phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán xây dựng giá trị gần 20 tỉ đồng vào cuối tháng 1/2018. Trả lời báo chí, ông Căng cho biết dự án “mới đang trong giai đoạn lấy ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng”.
Và ngày 17/4, Quảng Ngãi tiếp tục có văn bản giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ trì phối hợp với huyện Bình Sơn và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu để trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất, nhằm triển khai giai đoạn 2 của dự án FLC Bình Châu - Lý Sơn. Nghĩa là dự án mới chỉ là chủ trương, đang xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Thế nhưng ông Căng đã chỉ đạo, bố trí khu vực tái định cư cho dân vùng biển cũng như các tuyến đường ra biển phục vụ cộng đồng dân cư với mật độ bình quân 8km bố trí một đường ra biển… trong phương án quy hoạch. Trích ứng 500 tỉ đồng để phục vụ giải tỏa đền bù...
Làm liều ở vùng đất nhạy cảm
Gọi là vùng đất “nhạy cảm” bởi dải đất ven biển tiếp nối khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), qua các xã biển thuộc huyện Bình Châu (Quảng Ngãi) mà FLC dự kiến triển khai dự án có vị trí chiến lược về quốc phòng. Đặc biệt là với an ninh biển đảo. “Trái tim” của dự án là mũi Ba Làng An, Gềnh Yến, Mũi Đèn…
Ba Làng An là vùng đất tiếp giáp với các làng có tên An, gồm An Hải, An Vĩnh, An Kỳ. Nơi có những ngư phủ tham gia những suất binh phu đầu tiên dong buồm ra khơi, khai thác hải sản, xác lập chủ quyền trên quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo lệnh các đời vua chúa nhà Nguyễn từ thời phong kiến. Nơi mà ngư dân đã vượt biển ra định cư, mang theo cả tên làng để đặt tên thành xã An Vĩnh, An Hải, An Bình… ở huyện đảo Lý Sơn bây giờ. Mũi Ba Làng An chỉ cách đảo tiền tiêu Lý Sơn 12 hải lý, cách Hoàng Sa 135 hải lý (Trong khi Hoàng Sa cách Hải Nam, TQ đến 230 hải lý).
Vùng biển, vùng lãnh hải này vẫn đang là vùng đất quan trọng trong chiến lược phòng thủ an ninh quốc phòng. Nơi mà mỗi ngày, hàng nghìn ngư dân Quảng Ngãi vẫn bám biển, vương khơi làm ăn, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Thế nhưng ông Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã vội vàng thúc hối cả bộ máy chính trị của địa phương thần tốc tạo điều kiện cho FLC triển khai dự án, động thổ khởi công vào 19/5/2018 mà chưa nghiên cứu kỹ đến sinh cảnh sống của ngư dân vùng biển có truyền thống báp biển, giữ đảo lâu đời như Bình Châu, như huyện đảo Lý Sơn.
Trả lời Báo Lao Động, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, ông Phùng Bá Vương nói chưa hề hay biết gì về dự án. Ngay Bí thư huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cũng cho rằng chỉ nghe thông tin sau khi báo chí phản án.
“Nếu có chủ trương, chúng tôi sẽ báo cáo thường vụ huyện ủy, lấy ý kiến và triển khai đầy đủ các thủ tục đầu tư tại địa phương theo đúng trình tự quy định pháp luật. Nhưng hiện thì huyện chưa nhận được chỉ đạo chính thức nào.
Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - ông Võ Đình Trà thì đơn giản: “Tỉnh có chủ trương thu hút đầu tư, chỉ đạo triển khai như thế nào thì mình thực hiện theo thôi chứ không có ý kiến gì”. Còn nhiều người dân các xã Bình Hải, Bình Châu thì ngơ ngác, không hề biết thông tin gì về dự án du lịch sắp triển khai trên quê hương họ.
Ông Đỗ Minh Hải - GĐ Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ngãi - khẳng định hiện chưa có chủ trương chính thức nào về dự án FLC. Trao đổi với LĐ, ông Hải nêu rõ, những chỉ đạo của UBND tỉnh chỉ là “dự lệnh”, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Về nguyên tắc, để khởi công, dự án phải trải qua hàng loạt các thủ tục trình tự đầu tư. Trong đó quan trọng nhất phải có quyết định đầu tư, lập quy hoạch và được phê duyệt…
Tuy nhiên, hiện FLC chỉ mới gặp tỉnh, họp vài cuộc, chưa có bất cứ thủ tục nào được thông qua. Vì vậy, chưa có đánh giá tác động môi trường, chưa có dự trù đất sử dụng. Nên không thể có quyết định nào về thu hồi, giao đất, hay giải tỏa bố trí tái định cư cả. Nói 19/5 khởi công dự án là “ước muốn” thôi, chưa thể triển khai được đâu - ông Hải khẳng định.
Lao Động