Doanh nghiệp gắn “mục tiêu kép” với hỗ trợ đối tượng yếu thế, người cao tuổi
Doanh nghiệp - Doanh nhân 24/07/2021 08:17
Chống dịch để sản xuất, xuất khẩu
Ngày 19/7, có 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. DN tại các địa phương này hầu hết được yêu cầu tiếp tục hoạt động sản xuất với phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) và “1 cung đường, 2 địa điểm” (chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân và ngược lại).
Với những DN xuất khẩu thủy sản cũng có cách duy trì sản xuất riêng. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sao Ta chia sẻ, mục đích của việc tổ chức “3 tại chỗ” ngành tôm là nhằm có giải pháp chia sẻ khó khăn với người nuôi và người lao động. Một mối quan hệ hết sức quan trọng nữa là các đối tác mua hàng. DN và các đối tác có hợp đồng mua bán, kế hoạch tiêu thụ. Trong hoàn cảnh dịch, DN có thể vin vào lí do bất khả kháng để kéo dài hợp đồng, nhưng sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các đối tác. Vì vậy, việc tổ chức “3 tại chỗ” sẽ cung ứng một phần sản phẩm theo các hợp đồng, giảm khó khăn cho đối tác, bảo đảm đơn hàng xuất khẩu. “Tổ chức “3 tại chỗ” của ngành tôm nhằm duy trì và tương hỗ các mắt xích quan trọng nhất chuỗi giá trị con tôm là: Người nuôi - người lao động trong DN chế biến - nhà tiêu thụ”- ông Lực nhận định.
Không chỉ những DN lớn, một số DN xuất, nhập khẩu qui mô nhỏ cũng rất nỗ lực thực hiện “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn nhân lực, duy trì hoạt động. Ông Lê Minh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Hóa chất Na Vy cho biết, Công ty tận dụng mặt bằng, bố trí cho nhân viên làm việc, ăn, nghỉ tại chỗ. Mặc dù rất khó khăn khi bố trí cho người lao động ăn nghỉ tại công ty, nhưng để bảo đảm công tác phòng chống dịch và hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, Công ty nỗ lực khắc phục để thực hiện tốt.
Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp
Trong báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cho biết, các DN đều đồng thuận với quy định “3 tại chỗ” của chính quyền. Song việc tổ chức đang gặp nhiều vấn đề, cần được hỗ trợ, tháo gỡ.
Hiện nhiều DN có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó bố trí điều kiện ăn uống tại chỗ cho người lao động, bởi rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị UBND thành phố cho phép DN được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng hoạt động) để cung ứng suất ăn thường xuyên cho DN theo cách Liên hiệp HTX Thương mại thành phố và các khách sạn cung cấp suất ăn cho các khu cách li tập trung.
Về điều kiện thực hiện “1 cung đường, 2 địa điểm”, Hiệp hội kiến nghị, thành phố thống nhất chỉ đạo hiểu về khái niệm “1 cung đường, 2 địa điểm” theo nghĩa rộng hơn. Nghĩa là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không dừng dọc đường từ chỗ ở đến chỗ làm việc và ngược lại; cho phép các công ty hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách bố trí xe đưa đón công nhân theo tiêu chí này.
Ngoài ra, hoạt động của các kho bãi và công tác vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa sản xuất ra cũng đang gặp khó khăn. Nhiều địa phương thuộc thành phố không cho phép các kho bãi hoạt động. Nhiều trạm kiểm soát trong thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ. Một số tỉnh ban hành các quy định yêu cầu cách li đối với người và phương tiện vận chuyển… Nếu hoạt động kho bãi và vận chuyển lưu thông không được thực hiện thì các nhà máy dù đủ “3 tại chỗ” cũng phải ngừng sản xuất. Vì vậy, Hiệp hội đề nghị TP Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành thống nhất cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông để tháo gỡ ách tắc cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất tại chỗ, các DN cũng quan tâm công tác an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ bệnh viện chăm sóc người cao tuổi (NCT). Cụ thể như từ ngày 19 - 21/7/2021, Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh khẩn cấp hỗ trợ 30 máy thở và 17.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 giá trị gần 5 tỉ đồng cho các lực lượng y tế TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương kịp thời đưa vào sử dụng, điều trị cho bệnh nhân.
Cả tháng qua, những hoạt động thiện nguyện có tổ chức hoặc tự phát, trong đó có nhiều nhóm tổ dân phố, hội đoàn hằng ngày từ sáng sớm đến tận chiều đưa nước uống, mì gói, cơm phần, rau, gạo… đến tuyến đầu chống dịch, các bệnh viện, khu phong tỏa, cách li... Rất nhiều gia đình, phận người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, trong đó có nhiều NCT nhận được những vật phẩm thiết thực.
Sự chung tay còn phải kể đến gần nửa triệu doanh nghiệp thành phố ngày đêm thực hiện “mục tiêu kép”, đóng góp hàng nghìn tỉ đồng vào Quỹ Vaccine, Quỹ Phòng chống Covid-19 và không để máy móc ngưng nghỉ, công nhân mất việc./.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)