Dịch Covid-19 phát lộ “thế giới bí mật” hàng tỉ USD ở Trung Quốc
Quốc tế 02/03/2020 09:28
Cho đến cách đây vài tháng, việc mở trang trại nhân giống và nuôi dưỡng động vật hoang dã vẫn được chính quyền Trung Quốc khuyến khích như một cách làm giàu hiệu quả cho nông dân ở vùng hẻo lánh.
Nhưng đợt bùng phát của dịch bệnh do virus corona chủng mới - tới nay đã khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người nhiễm khiến chủ trương này bị đặt dấu hỏi.
Cần một cách tiếp cận khác
Cuối tháng 1, chính quyền đã ban hành lệnh cấm tạm thời với việc buôn bán động vật hoang dã nhằm hạn chế sự lây lan của virus và bắt đầu cưỡng chế ngừng hoạt động các cơ sở chăn nuôi động vật vào đầu tháng 2.
Cơ quan lập pháp trung ương đã gấp rút sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã và có thể cơ cấu lại các quy định về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm hoặc nguyên liệu trong y học cổ truyền. Giới chức trách Trung Quốc đã ban hành các biện pháp mới hôm 24/2 nhằm hạn chế buôn bán động vật hoang dã, cấm tiêu thụ thịt thú rừng và bán động vật hoang dã để lấy thịt tại các chợ thú vật từ nay đến thời điểm Luật Bảo vệ động vật hoang dã được sửa đổi và thông qua.
Mặc dù được xác định là có liên quan đến đợt bùng phát dịch SARS vào năm 2003, cầy hương vẫn được nhân giống, nuôi nhốt và buôn bán làm thức ăn ở Trung Quốc |
Nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã quảng bá ý tưởng về việc thuần hoá và nuôi nhốt động vật hoang dã, cho rằng đây là một phần quan trọng trong phát triển nông thôn, du lịch sinh thái và xoá đói giảm nghèo với ngành chăn nuôi trị giá 73,85 tỉ USD.
Chỉ vài tuần trước khi Covid-19 bùng phát, Cơ quan Quản lí Lâm nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc vẫn tích cực khuyến khích người dân chăn nuôi động vật hoang dã trong đó có cầy hương - loài được xác định là vật chủ trung gian khiến virus gây bệnh SARS lây từ dơi sang người.
Con gì cũng tiêu thụ
Ít người biết được quy mô thực sự của ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc cấp phép chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh và địa phương và thông tin về những hoạt động này không được công bố đầy đủ.
Trong giai đoạn 2005-2015, cơ quan lâm nghiệp chỉ cấp 3.725 giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã ở cấp quốc gia. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đã có ít nhất 19.000 trang trại chăn nuôi động vật hoang dã trên toàn quốc bị đóng cửa, bao gồm 4.600 cơ sở ở tỉnh Cát Lâm - nổi tiếng với hoạt động y học cổ truyền Trung Quốc.
Có rất ít thông tin về danh sách những loài động vật hoang dã được nhân giống và nuôi nhốt trong các trang trại ở Trung Quốc. Bên cạnh việc sử dụng làm nguyên liệu y học cổ truyền, phần hoạt động buôn bán động vật hoang dã là để lấy thịt, diễn ra trên các nền tảng trực tuyến hoặc tại các khu chợ thú vật - như chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi bệnh dịch khởi phát.
Đã có những lời kêu gọi về việc chính phủ cần cải cách để loại bỏ sự mâu thuẫn trong trách nhiệm của các cơ quan và cần có sự thay đổi trong suy nghĩ của các cấp quản lí, từ việc sử dụng sang bảo vệ động vật.
Các đề xuất bao gồm việc cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã được bảo vệ hoặc có nguy cơ tuyệt chủng ở trong và ngoài Trung Quốc, cấm nuôi và bán thịt từ những loài được xác định là có khả năng mang mầm bệnh tới con người như cầy hương, dơi và các loài gặm nhấm.