Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước đến hết 2023
Tin tức 08/06/2023 15:11
Dự thảo được lấy ý kiến các Bộ, ngành và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ ban hành.
Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước đến hết 2023. Ảnh minh hoạ |
Theo dự thảo, từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Bộ Tài chính cho rằng, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Cũng theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.
Về số thu ngân sách, thời điểm năm 2020 và năm 2022 là thời điểm dịch Covid-19 trong nước đã dần được kiểm soát, mặc dù trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Tại thời điểm đó, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là do đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung, nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP đã khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách, dẫn đến số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đã bù đắp được phần giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng được đánh giá là khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020-2022, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn. Theo đó, với việc tiếp tục thực hiện chính giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ.
Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương. Theo báo cáo trên thì việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng.
Tuy nhiên, thực tế số thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP. Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương).
Ngoài ra, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Về lý thuyết, phía Việt Nam có khả năng bị tham vấn, khiếu nại trong khuôn khổ WTO.
Tuy nhiên trên thực tế khả năng bị khởi kiện có thể không cao do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc. Trong khi thời hạn áp dụng của nghị định ngắn, các thủ tục khởi kiện, tham vấn đòi hỏi thời gian nhất định.
Thời gian qua, khi thực hiện chính sách này Việt Nam chỉ mới nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Cienco 1 và các đồng phạm Sáng 6/6, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm hình sự đối với 7 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy ... |
Miền Bắc dự báo đón mưa dông kéo dài Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều tối 5/6, khu vực Bắc Bộ và Hà Nội sẽ có mưa ... |
Danh tính 2 người dân tử vong trong vụ cháy rừng ở Quảng Ninh Thông tin từ UBND TP Hạ Long và TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày 4/6, tại hai địa phương này đã xảy ra cháy ... |