Đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL
Kinh tế 22/11/2022 08:50
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa có lợi thế bậc nhất nước ta, đóng góp trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng lúa xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, sản xuất lúa tại ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như: Chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh còn thấp; xuất khẩu khối lượng lớn, giá trị và giá bán gạo có dấu hiệu được nâng cao nhưng hiệu quả vẫn chưa xứng tầm với điều kiện hiện có. Thu nhập của nông dân chưa tương xứng so với thu nhập của các khâu khác trong chuỗi kinh doanh, xuất khẩu gạo. Hơn nữa, việc sản xuất chưa bền vững đã tác động, ảnh hưởng đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Một số nguyên nhân có thể kể đến: Các hình thức tổ chức liên kết chưa phát triển rộng; vật tư đầu vào chưa được quản lí tốt; khâu sấy lúa, tồn kho, chế biến sâu còn nhiều hạn chế, gây thất thoát và giảm chất lượng gạo xuất khẩu; chưa chú trọng sử dụng phụ phẩm; khâu thiết lập thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu còn yếu, công tác xúc tiến thương mại chưa được đầu tư tương xứng với vị trí ngành hàng; chưa chọn tạo được giống lúa thơm có giá trị và khả năng thích nghi đủ để sản xuất trên diện rộng phục vụ xuất khẩu; các chính sách tích tụ đất đai, tín dụng, hỗ trợ liên kết và đầu tư chưa đủ mạnh và rộng.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa có lợi thế bậc nhất, đóng góp 90% lượng lúa xuất khẩu |
ĐBSCL là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa ở nước ta. Ở các vùng phù sa ngọt, phát huy thế mạnh 2 vụ lúa/năm và có thể luân canh 2 lúa - màu ở nơi có điều kiện.
Vùng còn nhiều tiềm năng là vùng ven biển phù hợp với sản xuất lúa chất lượng cao hoặc lúa hữu cơ trong cơ cấu tôm - lúa. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa Xuân Hè và lúa vụ ba (Thu Đông) ở nơi không đủ điều kiện. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và vùng ven biển.
Tuy nhiên, ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đang đứng trước thử thách do hiệu quả thấp, thâm dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu...
Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế, giữ vững vị trí quan trọng của sản xuất lúa gạo, vùng ĐBSCL cần được định hướng phát triển và đầu tư mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.
Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm khí phát thải vùng ĐBSCL. Nội dung của đề án bao gồm đánh giá hiện trạng sản xuất lúa; xây dựng vùng sản xuất bền vững chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha vùng ĐBSCL.
Đi kèm với đề án là chính sách ưu tiên khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia, như chính sách đất lúa; chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai đối với doanh nghiệp liên kết với nông dân; chính sách tín dụng ưu đãi doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, dịch vụ sấy, kho tàng...
Các chuyên gia cho rằng, Đề án cần có sự nghiên cứu thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường; cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo đi kèm với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; những ý tưởng trong đề án phải được Nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ, thực hiện, muốn làm được điều đó phải có những gói chính sách khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tham gia đề án...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nội dung của Đề án phải đáp ứng các mục tiêu như vùng sản xuất sử dụng giống chất lượng cao, hướng đến bảo đảm dinh dưỡng cho người tiêu dùng, các giống lúa bảo đảm chế biến gia tăng được giá trị sản phẩm. Quy trình sản xuất thực hiện theo hướng giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống tiết kiệm, bảo đảm môi trường sinh thái. Vùng lúa chất lượng cao phải liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã bảo đảm đầu vào với chi phí thấp, đầu ra giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho các bên liên quan. Vùng lúa chất lượng cao phải thực hiện cơ giới hóa, hạ tầng đồng bộ, được số hóa, truy xuất nguồn gốc, tích hợp công nghệ thông minh trong canh tác...
Để đề án được thành công, Bộ NN&PTNT xác định rõ phải có sự thay đổi nhất định trong tư duy sản xuất để bảo đảm 1 triệu ha này đúng như nguyện vọng của nông dân, doanh nghiệp, và cả các cấp quản lí ở địa phương”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.