Đại gia Lê Ân khởi kiện VCB Việt Nam bán "chui" tài sản vắng chủ
Tin pháp luật 17/05/2023 16:41
Trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB) |
PV: Thưa cụ Lê Ân, trong Bản tường trình gửi TAND TP Vũng Tàu, có nội dung thể hiện ngày 11/8/1999, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kí, ban hành Quyết định đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Xin cụ nói rõ về điều này?
Cụ Lê Ân: Một, Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có nội dung: Đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (Điều 1); Mục 8: củng cố lại bộ máy Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS), Ban Điều hành (BĐH) theo hướng: Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý đình chỉ, tạm đình chỉ ngay những thành viên HĐQT, BKS, BĐH có sai phạm, có nghĩa vụ về tài chính, thiếu trách nhiệm. Lựa chọn nhân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn để bầu lại tại đại hội cổ đông; Mục 10: VCSB phải tự chịu trách nhiệm xử lý mọi hậu quả, các nghĩa vụ cam kết theo đúng quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản, hồ sơ, sổ sách của VCSB trong suốt thời gian kiểm soát đặc biệt (Điều 2); và Điều 5: Thời hạn kiểm soát đặc biệt là 12 tháng.
Hai, Chính phủ có Quyết định ngày 10/4/2000: Chuyển giao dư nợ cho vay và tài sản thế chấp, cầm cố của VCSB cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Theo đó:
Điều 1: Giao Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tiếp nhận Ngân hàng VCSB để xử lý theo phương án 2 nêu tại Tờ trình số: 66/CV-NHNN3 ngày 3/4/2000 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 3: VCB cho VCSB vay đặc biệt để chi trả tiền gửi hợp pháp của Nhân dân và được quyền trong việc giải quyết tiền gửi của dân, thu nợ, xử lý tài sản thế chấp, cầm cố và tài sản đảm bảo nợ vay khác của các đối tượng vay vốn VCSB.
VCSB căn cứ: Quy chế kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam tại Quyết định số: 215/1998/QĐ-NHNN5 ngày 23/6/1998. Điều 9: Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm tại mục 2.5 kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khoản cho vay đặc biệt để bảo đảm khả năng chi trả tiền gửi của khách hàng (theo quy định Nhà nước cho vay hỗ trợ đặc biệt không tính lãi và thời hạn vay).
Ba, Thống Đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm quyết định nữa: Giao VCB tham gia kiểm soát và xử lý VCSB. Theo đó tại Điều 1: Giao VCB tiếp nhận VCSB để trực tiếp kiểm soát và xử lý theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Giao Tổng Giám đốc VCB Việt Nam ra quyết định cử cán bộ tham gia kiểm soát và xử lý VCSB.
PV: Chính phủ có Văn bản số: 141/VPCP-KTTH ngày 8/6/2005, về Biện pháp hỗ trợ để xử lý đối với VCSB. Xin cụ nói rõ về điều này?
Cụ Lê Ân: Văn phòng Chính phủ gửi: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh BR-VT đề nghị các cơ quan tư pháp ở tỉnh BR-VT (công an, toà án, viện kiểm sát) phối hợp với VCSB xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ không trả nợ vay tại VCSB… Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Công văn số 470/NHNN-CNH ngày 17/5/2005) về việc kết quả xử lý VCSB và đề xuất biện pháp hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
- Giao Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn sớm hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ và tiến hành định giá để phát mãi tài sản liên quan đến VCSB, phối hợp với ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh BR-VT; VCB cùng với VCSB rà soát lại toàn bộ các tài sản (do VCSB chuyển giao cho VCB) có phát sinh chênh lệch về diện tích, thực địa giữa biên bản giao và thực trạng hiện nay, đồng thời xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người có liên quan nếu có xảy ra tình trạng lấn chiếm làm thất thoát tài sản và có biện pháp thu hồi. Trên cơ sở đó, sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý của tài sản để đảm bảo quyền lợi cho người mua trúng đấu giá.
- Đề nghị các cơ quan tư pháp ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Công an, toà án, viện kiểm sát) phối hợp với Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Vũng Tàu xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân cố tình chây ỳ không trả nợ vay tại VCSB hoặc trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.
- Đối với tài sản VCSB đã mua nhưng chưa làm thủ tục đứng tên chủ sở hữu, Ban chỉ đạo xử lý VCSB phối hợp với cơ quan chức năng phát mãi theo quy định của pháp luật.
PV: Gửi Bản tường trình “Về việc bán tài sản vắng chủ” cho TAND TP Vũng Tàu, cụ có kiến nghị gì?
Cụ Lê Ân: Vụ án VCSB đã kết thúc điều tra năm 2004, Chính phủ có văn bản số: 3144/VPCP-KTTH ngày 8/6/2005, chỉ đạo biện pháp hỗ trợ để xử lý đối với VCSB nêu trên.
Có thể thấy, với các nội dung và các quyết định, văn bản của Thống đốc, Chính phủ nêu trên. Toà án cần xem xét nghiêm minh để lấy lại tài sản hợp pháp của VCSB do Vietcombank -Vũng Tàu thông qua việc mua bán đấu giá thể hiện dấu hiệu trái pháp luật, vì bán tài sản trong khi vụ án chưa kết thúc điều tra và bán tài sản vắng chủ là thể hiện “bán chui”. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự.
Với các nội dung nêu trên, Hội đồng thanh lý VCSB trân trọng tường trình các quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quyết định, văn bản của Chính phủ chỉ đạo xử lý vụ án VCSB, để Quý toà xem xét giải quyết theo đơn khởi kiện của VCSB với bản án thấu tình đạt lý về những thiệt hại của tập thể cổ đông VCSB do Vietcombank Việt Nam và VCB-Vũng Tàu cố tình gây ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn cụ Lê Ân.
Cụ Lê Ân tại tư gia |
Quy chế kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam tại Quyết định số 215/1998/QĐ-NHNN5 ngày 23/6/1998 |
Văn bản số 3144/VPCP-KTTH ngày 8/6/2005 của Chính phủ chỉ đạo biện pháp hỗ trợ để xử lý đối với VCSB |