"Con thuyền nhỏ bé" chở đầy ân nghĩa
Tuổi cao gương sáng 21/11/2020 07:42
Đọc những dòng tự sự của ông, con người hội tụ các căn của bệnh người già như huyết áp, tim mạch, v.v, phải “sống chung” với rất nhiều loại thuốc, thậm chí đã ghép một bên thận, càng thấm thía trái tim “tiên ông”: “Vốn là một tảng đá nhỏ trên núi cao, trải qua bao năm tháng nung đốt dưới hơi nóng của mặt trời nên thân thể đầy vết nứt. Rồi tôi vỡ ra, lăn xuống chân núi và dạt vào dòng suối. Hình hài tôi mang đầy thương tích với những nỗi đau tưởng như không dứt. Nhưng chính dòng suối trong mát đã làm những vết thương trên cơ thể của tôi lành lặn. Không làm được những việc lớn, chỉ xin làm con thuyền bé nhỏ chuyên chở yêu thương”.
Ông Trần Lực tặng quà NCT tỉnh Lâm Đồng |
Vâng, “con thuyền nhỏ bé” ấy đã chở đầy ân nghĩa đến nơi cần đến. Đã có hàng triệu suất quà được trao đi, hàng triệu người được giúp đỡ; hàng nghìn cặp mắt được trả lại ánh sáng, hàng trăm ngôi nhà tình thương được xây dựng và biết bao máy trợ thính, xe lăn, xe đạp, sách vở, đồ dùng học tập được trao đi. Trẻ có, già có, mà hầu hết là những người già cả neo đơn, bệnh nhân nghèo, người mắc bệnh nan y có hoàn cảnh khó khăn hay trẻ em mồ côi cha mẹ… Từ Nam ra Bắc, trên rừng dưới biển, đâu cũng in dấu bước chân ông.
Nhiều lần trong hành trình thiện nguyện, ông từng được bác sĩ chỉ định phải điều trị, nghỉ ngơi, song vẫn tranh thủ hết sức có thể giúp đỡ được nhiều nhất có thể, cho hoàn cảnh éo le vơi bớt nhọc nhằn… Có lần, trở về sau khi đi trao quà và gửi tiền hỗ trợ, bị vấp ngã khi bước lên bậc thềm nhà, đầu gối sưng vù nhưng ông thấy rất vui. Ông đã trải qua đủ những nỗi đau để biết yêu quý những niềm vui nhỏ nhất; đã quá đủ những lần thập tử nhất sinh để biết yêu quý những gì còn lại trên thân thể. Vì thế điều mà ông sợ nhất là sức khỏe suy giảm, không thể đến với những hoàn cảnh khó khăn, không lo được cho những cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh, không góp phần chăm sóc cho các cháu bé mồ côi và những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Phát khẩu trang phòng chống đại dịch Covid-19 |
Ngày đưa yêu thương ra Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ, ngắm cảnh đêm yên lặng sau những ngày bão lũ, ông Lực vẫn nghiệm ra rằng sâu thẳm trong cái lặng yên ấy là nỗi đau, là tiếng thở dài. Nhiều ngôi nhà mà người dân quê chắt chiu dành dụm bao năm nay đã đổ sập sau cơn bão dữ. Ruộng lúa, rau màu ngập chìm trong biển nước. Những người bệnh hiểm nghèo chẳng còn tiền đi xạ trị. Người già cô đơn càng vất vả, trẻ nghèo không còn sách vở để đến trường…
Tặng quà hỗ trợ NCT khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19 |
Ông tâm sự: Hơn một tỉ đồng từ Đà Lạt đưa ra dành tặng NCT, bệnh nhân nghèo và trẻ em vùng lũ vẫn chưa thấm vào đâu so với những mất mát đau thương của đồng bào miền Trung ruột thịt sau 6 trận bão nối bão, lũ chồng lũ. Món quà trao tay, rưng rưng đến nỗi mỗi suất quà chỉ 1 triệu đồng thôi mà ai cũng run run, lời sẻ chia nghẹn lại giữa chừng. Ông bảo, “một chút xíu thôi” để bà con nghèo có tiền mua vài cái xoong nồi; có đồng vốn sắm lại chiếc cuốc, chiếc xẻng hay mua vài kí hạt rau củ quả, vài chục con gà, vịt giống... để mảnh vườn có được màu xanh, có tiếng chim chíp của những chú gà, chú vịt con sau lũ. Bởi chỉ khi nước lũ rút rồi, nhiều người mới biết trong nhà chẳng còn gì ngoài bùn đất!
Trao xe đạp và học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tỉnh Lâm Đồng |
Những năm trước, ông cũng từng về với bà con vùng lũ miền Trung và đồng bào nghèo Tây Bắc. Trước khi đến tận nơi, ông nhờ các Hội Bảo trợ địa phương chọn những bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi chưa được ai giúp, những mảnh đời cơ khổ ở những nơi chưa có đoàn nào đặt chân đến. Không giúp được tất cả thì giúp vài trăm người, mỗi người vài triệu để bà con có ít tiền chữa bệnh, có chút vốn liếng làm ăn sau lũ.
Ông Trần Lực (thứ hai từ phải sang) trao bằng ghi nhận tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm tham gia chương trình |
Đồng hành với người nghèo bao nhiêu, ông Lực càng trân quý tấm lòng của đối tác các cộng sự. Họ, có khi là Việt kiều, doanh nhân nước ngoài, cũng có khi chỉ đơn giản là hội viên của ông, cũng có những hội viên cũng chưa dư dả gì, phải chạy chợ, làm thuê, nhưng khi nghe miền Trung lũ lụt, đã chung tay đóng góp, người một trăm, người vài trăm ngàn, góp gió thành bão, chung tay giúp đồng bào. Ông bảo, sự đồng cảm, sẻ chia dù ít, dù nhiều cũng đều đáng được trân trọng.
Và hôm nay, bước chân không ngừng nghỉ ấy vẫn tiếp tục rảo bước. Bởi ông luôn hiểu rằng: Giữa biển khơi, người bi quan phàn nàn về cơn gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người nhiều lần đối diện với thực tế thì điều chỉnh lại cánh buồm. Và ông, đã nhiều lần điều chỉnh “cánh buồm” trên “con thuyền” nhân ái để không phải đổi hướng đi.