Chưa nhận tiền đền bù, đất canh tác của người dân đã bị san lấp để thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vạn Xuân
Xã hội 19/04/2022 08:10
Nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù
Ông Nguyễn Ngọc Thao (65 tuổi, người dân Khu 18, xã Vạn Xuân), cho biết gia đình ông có 15 nghìn m2 đất rừng sản xuất và 850m2 đất trồng lúa nước bị thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) để làm mặt bằng thực hiện dự án Cụm công nghiệp (CCN) Vạn Xuân.
Theo ông Thao, trước khi thực hiện kiểm kê mặt bằng, cây cối hoa màu xã Vạn Xuân tiến hành họp người dân tại trụ sở UBND xã, nhưng nội dung cuộc họp mới dừng lại ở “thông báo” cho người dân biết việc thu hồi đất để làm mặt bằng phục vụ cụm công nghiệp. Ngoài ra các văn bản liên quan tới dự án nhiều người dân vẫn chưa biết, chưa nắm rõ và chưa biết rõ về chủ trương đầu tư thực hiện dự án này.
Ông Thao cho biết: “Nhà tôi có 15 nghìn m2 đất rừng sản xuất có giấy tờ đất đàng hoàng nhưng giá chỉ có 14.400/m2, trong khi đó đất khai hoang, không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lại có giá đền bù 50 - 60.000/m2. Thậm chí trước đó, chúng tôi nhận được bảng giá thông báo có 12.000/m2, chúng tôi không đồng ý thì mức giá lại được điều chỉnh thành 14.400/m2, điều này là rất khó hiểu".
Cũng theo ông Thao, quan điểm của ông và các hộ dân ở địa phương là rất ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế của huyện. Tuy nhiên, phải có chính sách đền bù phù hợp cũng như cần có giải pháp để giúp người dân có kế sinh nhai sau khi đất canh tác bị thu hồi thực hiện dự án.
Máy tiến hành san lấp trong dự án. (ảnh chụp cuối tháng 3/2022) |
Tương tự như hộ gia đình ông Thao, ông Nguyễn Văn Giới, ở khu 18, xã Vạn Xuân cũng có diện tích đất rừng sản xuất và đất trồng lúa trong diện thu hồi để làm mặt bằng cho dự án CCN Vạn Xuân.
Theo ông Giới, đến thời điểm hiện tại gia đình vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản giấy tờ gì về dự án CNN Vạn Xuân. “Chúng tôi chưa hề nhận được giấy tờ văn bản nào thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án, dự toán giá đền bù lần đầu đưa cho gia đình tôi lại có giá thấp, sau khi chúng tôi không đồng ý thì lại điều chỉnh tăng lên tổng thêm 700 triệu đồng. Tôi không hiểu dựa vào đâu, dựa vào quy định nào mà điểu chỉnh như thế?”, ông Giới bức xúc nói.
Theo ông Giới, đối với phần diện tích đất rừng sản xuất của ông hơn 1,8ha đã được cấp sổ (QĐ giao đất trồng rừng sản xuất - PV) từ năm 2000, có thời hạn là 50 năm. Ông Giới cho rằng, giá đền bù 14.400 đồng/m2 (điều chỉnh lần 2) đất rừng là chưa phù hợp với công tôn tạo, trồng cây của gia đình ông.
Theo tìm hiểu, tại khu 18, 19 xã Vạn Xuân, có khoảng 30 hộ dân có diện tích đất nông nghiệp diện thu hồi để phục vụ dự án CNN Vạn Xuân, hiện có 7 hộ vẫn chưa nhận tiền đền bù vì khúc mắc liên quan đến giá đền bù. Có một số hộ có diện tích đất rừng sản xuất lớn 2 đến 4ha.
Chưa đền bù xong đã san lấp mặt bằng
Theo tìm hiểu, Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Vạn Xuân là công ty TNHH Thương mại và Dịch Vụ Lân Huế. Dù nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù nhưng từ tháng 3/2022, chủ đầu tư đã đưa máy móc đến san lấp nhiều diện tích đất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Giới, hơn 3.800m2 đất nông nghiệp của gia đình ông đã bị san lấp, điều đáng nói trước đó chủ đầu tư không hề thông báo cho gia đình ông được biết, điều này khiến ông rất bức xúc.
Tương tự nhà ông Thao cũng chưa nhận tiền đền bù nhưng đã bị san lấp: “Hôm vừa rồi tôi ra kiểm tra thì đất nhà tôi đã bị san lấp rồi. Tôi tới nơi thì bị công nhân công ty đuổi ra ngoài. Tôi không thể hiểu được cách làm việc của công ty này. Hơn nữa cả 1 công trình lớn như thế không có biển báo nào cả”, ông Thao bức xúc nêu ý kiến.
Xe mang logo L.H vận chuyển đất bên trong dự án ra ngoài. |
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Nông cho hay, trên địa bàn huyện Tam Nông đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có dự án CCN Vạn Xuân. “Đối với dự án này lãnh đạo tỉnh đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, các phòng ban cũng đang gấp rút, làm việc hết công suất để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Thắng cho hay.
Về thông tin phản ánh của người dân liên quan đến việc giá đền bù và việc người dân chưa nhận tiền đền bù đã bị san lấp mặt bằng ông Thắng cho hay, sẽ chuyển các bộ phận liên quan làm rõ thông tin phản ánh của người dân, đồng thời phản hồi Tạp chí Ngày mới Online theo quy định.
Được biết, ngoài dự án CCN Vạn Xuân, Công ty Lân Huế còn là chủ đầu tư dự án Khu dân cư mới Soi Cả (huyện Thanh Sơn), dự án có quỹ đất “khủng” nằm ven sông Bứa. Trước đó, Công ty Lân Huế được biết đến là nhà thầu trúng nhiều gói thầu xây lắp trên địa bàn huyện Yên Lập, Thanh Sơn trị giá hàng chục tỷ đồng.
Để làm rõ vụ việc trên, phóng viên Ngày mới Online đã đặt lịch liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng địa phương và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Cụm Công nghiệp Vạn Xuân được UBND tỉnh Phú Thọ thành lập tại Quyết định số 1369/QĐ-UBND, ngày 16/6/2021. Theo đó, Cụm công nghiệp Vạn Xuân có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, quy mô 72 ha, tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là công ty TNHH Thương mại và dịch Vụ Lân Huế, có trụ sở tại thị Xã Sơn Tây, TP Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Huế làm Giám đốc. |