Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đề xuất liên kết 6 tỉnh miền Tây phòng, chống dịch Covid-19
Tin tức 16/08/2021 07:41
Văn bản của ông Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, về đề xuất liên kết, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế. |
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng |
Ngoài liên kết, phối hợp với các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất trên còn gợi mở để các tỉnh “chung tay” phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh khu vực Nam sông Hậu và TP Cần Thơ, cần có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực để thống nhất hành động và đạt một số mục tiêu chung.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng, trước mắt các địa phương nói trên sớm liên kết phòng, chống dịch Covid-19, tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa và một số lĩnh vực cần thiết khác.
Cách thức làm việc như tổ chức hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo UBND, cơ quan chức năng tỉnh để trao đổi, thống nhất phương thức, nội dung và tổ chức thực hiện liên kết. UBND tỉnh Sóc Trăng đề xuất lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị.
“Các tỉnh Nam sông Hậu có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy cần sớm có sự thống nhất chung để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế đảm bảo liên thông, giải quyết khâu tiêu thụ hàng hóa, nông thủy sản của người dân. Tôi mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác của lãnh đạo các tỉnh và UBND TP Cần Thơ”, ông Lâu chia sẻ.
Ts Trần Khắc Tâm và nhân viên của Công ty sơn Trần Liên Hưng |
Nhận được văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đây là thông tin quý giá đối với cộng đồng doanh nghiệp. Việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các địa phương để biết tình hình dịch bệnh của nhau và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp và bảo đảm lưu thông hàng hóa là vô cùng cần thiết, nhất là khi dịch bùng phát trên nhiều tỉnh thành. Việc trao đổi thông tin có thể theo hai hình thức:
Một, hội ý hằng ngày giữa các vị chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phụ trách để thống nhất chỉ đạo, xử lý những tình huống cấp bách, những nội dung phòng chống dịch mà cách hiểu của các đơn vị bên dưới còn chênh nhau hoặc mới phát sinh. Mỗi cuộc hội ý không quá 30 phút vào đầu giờ buổi sáng.
Hai, trao đồi thường xuyên những thông tin, vấn đề chung (như tình hình dịch bệnh, nhất là ở vùng giáp ranh các tỉnh; những cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm cần rút ra khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; tỉnh này còn tồn bao nhiêu lúa, tỉnh kia có khả năng hoặc có khách hàng tiêu thụ mặt hàng gì hoặc đang thiếu mặt hàng gì; khu vực nào dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp…). Việc trao đổi này thông qua kênh Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hoặc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoặc Sở Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, cần có chỉ đạo để các cơ quan chuyên môn từng tỉnh, như Sở Công thương, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Công an… trao đổi thông tin chi tiết với nhau.
Ba, thông qua kênh trao đổi nói trên, các bên thông báo cho nhau năng lực, khả năng hiện có của lực lượng phòng chống dịch mỗi tỉnh, thành để khi khẩn cấp có thể điều động nhân lực, vật lực từ nơi gần nhất đến nơi cần nhất (ví dụ cấp cứu ở TP Cần Thơ có thể nhận người ở huyện Châu Thành, Hậu Giang), từ tỉnh chưa quá tải qua giúp tỉnh bắt đầu quá tải trong khi chờ chi viện từ Trung ương.
Bốn, các trạm kiểm soát liên tỉnh phải hiểu và hành động thống nhất 10 trạm như một, tránh tình trạng trạm này cho qua nhưng trạm khác không cho qua.
Năm, ngoài những người trên 65 tuổi, người có bệnh nền… thì ưu tiên chích văc xin Covid-19 cho những người phải tiếp xúc nhiều người, đi lại nhiều như lực lượng ở các chốt kiểm soát, tình nguyện viên, lái xe và phụ xe chở hàng hóa…
Sáu, liên kết thì phải có “nhạc trưởng” điều phối chung 6 tỉnh, thành phố; đề nghị TP Cần Thơ làm “nhạc trưởng”.