Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một người cao tuổi có tư tưởng đột phá
Thông tin doanh nghiệp 17/09/2021 14:40
Đã nỗ lực, nhưng cần bứt phá trong giai đoạn “dân số vàng”
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng và đã tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước, ông Hải cho biết, tốc độ là yếu tố để thấy khả năng phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng Việt Nam. Hai mươi năm trở lại đây, ngành xây dựng Việt Nam đã bắt kịp nhịp độ và vượt qua nhiều quốc gia khác.
Theo ông, đó là nhờ tinh thần đổi mới, sáng tạo, tinh thần cầu tiến, học hỏi từ những nhà thầu trong nước khi tham gia thầu phụ cho nhà thầu quốc tế ở những tòa nhà quy mô lớn, hiện đại. Vì thế, đã đưa ngành xây dựng Việt Nam từ lạc hậu trở nên phát triển nhanh chóng. Có giai đoạn các nhà thầu tư nhân lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20 - 30% nhờ sự học hỏi và ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến. Từ năm 2014, khi Tập đoàn Hòa Bình trúng thầu xây dựng Saigon Centre và sau đó là Coteccon với Landmark81, không còn thấy nhiều nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam. Các nhà thầu trong nước dần thay thế nhà thầu ngoại ở các tòa nhà quy mô lớn, hiện đại, có yêu cầu kĩ thuật, mĩ thuật rất cao tại thị trường trong nước.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải. |
Với tốc độ phát triển như hiện nay, thị trường xây dựng trong nước dần trở nên chật chội, bão hòa, không đủ công trình để doanh nghiệp phát huy hết khả năng. Cùng với đó, trong xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới, ta không thể đứng im nhìn sự vận động của thế giới mà cần nỗ lực phát huy năng lực cạnh tranh nhằm đưa ngành xây dựng Việt Nam ra thị trường nước ngoài - một thị trường có quy mô rất lớn so với thị trường trong nước (12.000 tỉ USD năm 2019). Theo ông Hải, thúc đẩy phát triển ra nước ngoài, ngành xây dựng Việt Nam sẽ đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia và xây dựng sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Nếu thời gian này chúng ta không làm điều đó, thì sẽ không bao giờ làm được nữa. Đây là giai đoạn rất quý giá, khi mà quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người thì đã có gần 70 triệu người đang ở độ tuổi lao động, gọi là giai đoạn “dân số vàng”. Những quốc gia muốn bứt phá phát triển thường tranh thủ trong giai đoạn này. Theo các nhà dân số học, sau năm 2034, Việt Nam sẽ không còn giai đoạn “dân số vàng” nữa mà là “già hóa dân số”. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực gấp ba lần để tranh thủ giai đoạn này để phát triển đưa ngành xây dựng ra nước ngoài.
Theo ông, quy mô thị trường trong nước đang quá nhỏ và những nhà thầu phải cạnh tranh khá gay gắt. Hiện nay không còn nhiều nhà thầu nước ngoài đến Việt Nam, đây cũng là một hạn chế vì ta không có điều kiện cọ xát hằng ngày và cơ hội để học hỏi. Ta cũng chưa có những trung tâm nghiên cứu về xây dựng để đưa ra những phát minh, sáng chế. Do đó, ngành xây dựng Việt Nam rất dễ bị tụt hậu nếu chậm trễ phát triển thị trường nước ngoài. Chuỗi giá trị của ngành xây dựng hiện nay là rất mạnh nhưng không nên tiếp tục chỉ bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế “hái lượm”.
Nếu các doanh nghiệp xây dựng liên kết với nhau thì chắc chắn sẽ phát triển được ra nước ngoài và chỉ cần đặt mục tiêu chiếm 1% thị phần của ngành xây dựng quốc tế thì đã tạo ra doanh thu rất lớn cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam.
Bộ Xây dựng tặng lẵng hoa chúc mừng. |
Trước mắt cần phải chiến thắng đại dịch
Theo ông Hải, hành trình chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay của doanh nghiệp là hành trình của cảm xúc con người, từ quản lí đến nhân viên, nhất là người lao động cao tuổi còn sức khỏe, có nhiều uy tín và kinh nghiệm. Họ đã đi qua hành trình bất đồng giữa người quản lí và người lao động, cùng chấp nhận và cùng trưởng thành.
“Ngày đầu tiên khi công nhân biết tin phải ở lại tại công trình thực hiện “3 tại chỗ” để tiếp tục sản xuất thi công, họ có tâm lí khó chịu với người điều hành vì phải xa nhà nên đã từ chối. Còn những người quản lí của Tập đoàn thì bất ngờ và cảm thấy khó chấp nhận công văn cơ quan địa phương yêu cầu người điều hành Tập đoàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nhà máy là điểm bùng dịch hay có công nhân bạo động” - ông Hải nhớ lại.
Theo ông, để Tập đoàn tiếp tục giữ vững sản xuất trong tình hình Nhà nước thay đổi chính sách thường xuyên, người chủ doanh nghiệp cần trò chuyện với người lao động, nhất là những người cao tuổi (NCT) có uy tín trong tập thể công nhân viên. Qua những buổi trao đổi đó, người quản lí chia sẻ tầm nhìn, mục đích của doanh nghiệp bằng những câu chuyện mang lại cảm xúc cho nhân viên để họ chấp nhận được thực tế và kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp.
Nhờ phương pháp này, sau thời gian chống chọi cùng Covid-19 và bảo đảm sản xuất, bất cứ thành viên nào ở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng nhận thấy mình trưởng thành hơn qua các trạng thái cảm xúc.
Cũng theo kinh nghiệm của ông, qua thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng thiếu hụt nhân sư, nếu chủ doanh nghiệp muốn người lao động đồng hành, cùng phát triển thì cần quan tâm đến việc nuôi dưỡng năng lượng tích cực cho họ. Doanh nghiệp cần hỗ trợ người lao động, nhất là NCT cách đạt được hiệu quả công việc một cách nhanh nhất bằng cách giúp họ hiểu được mục tiêu sắp tới, ưu tiên của doanh nghiệp là gì. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trao quyền cho người lao động để họ có thể đổi mới sáng tạo. Người lao động cũng cần có quyền xử lí công việc theo trách nhiệm và quyền hạn. Điều này giúp họ có trách nhiệm và tự tin hơn. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần quyền được phản biện để đóng góp hiểu biết, kiến thức, đặc biệt là với những NCT. Tất nhiên, việc khen thưởng kèm theo cũng sẽ đóng góp vào tinh thần người lao động rất nhiều.
Sau tất cả những điều đó, người lao động cũng cần quyền nghỉ ngơi đúng nghĩa. Họ cần ăn bữa trưa mà không phải trả lời điện thoại, cần được nghỉ ngơi 10 phút giữa giờ để tái tạo lại năng lượng lao động, nhất là với lao động cao tuổi. Đó là những gì mà ông Hải – một Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng và là một NCT - sáng tạo trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4.