Chốt thép cổ thành
Sự kiện 30/06/2022 09:38
Đảng uỷ và Chỉ huy Tiểu đoàn 8 quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ thấy được âm mưu, thủ đoạn tái chiếm thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ của địch, từ đó, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao đối với từng phân đội và khẩn trương bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị bố trí đại đội 1 ở La Vang; Đại đội 2 ở trong Thành cổ; Đại đội 3 ở làng Thạch Hãn; Đại đội 4 cùng tiểu đoàn bộ ở làng Trí Bưu và Thành cổ. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ xác định phương án chiến đấu, đồng thời, khẩn trương xây dựng công sự, chủ yếu làm hố chiến đấu bằng vật liệu tại chỗ, tận dụng nhà cửa, tường xây, cầu thang còn lại để vừa tránh, vừa đánh giặc.
Căn cứ vào tính chất nhiệm vụ, cách đánh của Tiểu đoàn 8 và các đơn vị bạn, chủ yếu là phòng ngự chốt giữ. Tuy nhiên, muốn chốt giữ được phải chủ động tích cực tiến công, chứ không chốt giữ đơn thuần. Vì vậy, ta vừa chốt giữ, vừa tiến hành các trận phản kích, tập kích nhỏ và vừa liên tục ngày đêm, làm cho địch mất ăn, mất ngủ, hạn chế sức tiến công của chúng.
Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước |
Trong 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ, Tiểu đoàn 8 đã đánh 209 trận vừa và nhỏ; trong đó, phản kích 35 trận, tập kích 48 trận và 126 trận nhỏ, lẻ bằng hoả lực súng cối và ĐKZ, tiêu diệt và làm bị thương 201 tên địch.
Song, cuộc chiến đấu ở Thành cổ diễn ra quá ác liệt, ta phải đối chọi với 2 sư đoàn dù của địch, thay nhau liên tục tấn công vào đây, có ngày 5 đến 7 đợt, với hàng vạn tấn bom đạn, và từ 40 đến 60 lần máy bay phản lực vừa phun chất độc hoá học, vừa thả bom khoan, bơm hơi để phá tường thành, đánh sập hầm hào, công sự của ta. Do đó, tổn thất, thương vong của các đơn vị nhiều, số đông bị thương và hi sinh theo tỉ lệ 50/50; nhiều trường hợp rất đau thương. Trong đơn vị có hai anh em ruột cùng tiểu đoàn, gặp nhau tại chốt giữ trường Bồ Đề. Anh tên là Đông, em tên là Dương. Khi địch tới, người anh xách súng tiến về phía đường phố chặn chúng. Đông cùng đồng đội chặn đứng đợt tấn công của kẻ thù nhưng anh đã hi sinh. Khi đưa thi hài về, Dương chết lặng, biết đó là anh trai. Đợt thứ hai, địch lại tấn công Dương cầm AK và giắt xung quanh thắt lưng nhiều thủ pháo, lựu đạn lầm lũi tiến lên chặn giặc. Cứ mỗi lần quăng một trái lựu đạn, anh lại nói: "Anh Đông ơi! Em trả thù cho anh đây!". Cuối cùng địch bị chặn lại nhưng Dương cũng anh dũng hi sinh. Đông và Dương đều được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Một số chiến sĩ mới bổ sung trong đêm, sáng hôm sau ra chốt, đã hi sinh hoặc bị thương, đưa về tuyến sau, qua sông Thạch Hãn lại bị pháo chùm của địch bắn trúng giữa dòng, tan nát cả thi thể!... Ấy là chưa nói tới nỗi gian khổ, thiếu thốn của các cán bộ, chiến sĩ sống, chiến đấu trong Thành cổ hằng ngày phải ăn gạo sống, lương khô, uống nước lã, rất ít có thời gian chợp mắt... Thế nhưng Tiểu đoàn 8, với tinh thần quả cảm, quyết tâm cao, bám trụ kiên cường đến phút cuối cùng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhằm rút kinh nghiệm để chỉ đạo cuộc chiến đấu tiếp theo, sau khi kết thúc chiến dịch ở Thành cổ Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Mặt trận cử một đoàn cán bộ ra báo cáo với lãnh đạo Bộ Quốc phòng gồm ba đồng chí: Lê Quang Thuý, Trung đoàn trưởng trung đoàn 48; Nguyễn Văn Thu, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 (đại diện cho lực lượng chủ lực); Cao Xuân Khương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 (đại diện cho lực lượng vũ trang địa phương). Đoàn lần lượt báo cáo với các cơ quan: Bộ Tổng tham mưu, Quân uỷ Trung ương, ngoài ra còn báo cáo một số buổi ở Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn... Riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo 1 ngày.
Đại tướng đánh giá, nhận xét: "... Tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ rất dũng cảm... Phần phân đội đánh tốt... Phần tổ chức chỉ huy tốt; rút kinh nghiệm kịp thời, nhất là cách đánh, nghĩ ra được cách đánh trả tốt khi địch có thủ đoạn chiến đấu mới (lấn dũi)... Lực lượng tại chỗ (trong Thành cổ) đánh tốt; hướng Đông đánh được; hướng Tây chưa đánh mạnh vào sườn địch nên chúng có điều kiện tập trung đánh vỗ mặt, tạo áp lực lớn đối với lực lượng chốt giữ Thành cổ...".
Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn các đồng chí trong đoàn, xúc động nói tiếp: "Hằng ngày, thậm chí hàng giờ, tôi được nghe cơ quan tham mưu báo cáo nhưng không hình dung nổi mức độ chiến đấu ác liệt diễn ra như các đồng chí báo cáo hôm nay".
Kết thúc chiến dịch năm 1972, Tiểu đoàn 8 được khen thưởng xứng đáng, với 7 tập thể và 126 cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại. Ngày 22/12/1972, Tiểu đoàn 8 vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu: "Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân", xứng đáng là "Chốt thép Cổ Thành". (Còn nữa)