Cháy hết mình là sẽ thành công
Tuổi cao gương sáng 06/08/2024 08:57
Năm 1959, ông vào Đoàn văn công Tây Nguyên với ước mong sẽ trở thành biên đạo múa. Nhưng mong ước không thành vì đoàn giải thể năm 1963 và ông được chuyển ngành về làm việc tại Công ty Dệt 8/3 Hà Nội. Chàng thanh niên 19 tuổi làm quen với quy trình thao tác công nghệ in-nhuộm, từng ngày làm ra những tấm vải màu, vải hoa rực rỡ nhưng vẫn ấp ủ mơ ước năm nào. Điều này được ông thể hiện bằng những thao tác xử lí công nghệ khéo léo, mềm mại cùng bước đi khoan thai của vũ điệu góp phần giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi trong ca làm việc.
Ông Ngọc (quần, áo trắng) và vợ tại sân tập. |
Trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” những năm cả nước sục sôi chống Mỹ, bước đầu ông đã có “đất” diễn với những tiết mục múa mang chủ đề thể hiện tinh thần của công nhân công ty thi đua “Giỏi tay máy, vững tay súng“, “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề làm thay phần việc của những thanh niên đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”… Vũ điệu tuy còn đơn giản, mộc mạc nhưng quan trọng là đã động viên khích lệ tinh thần công nhân, được mọi người cổ vũ tán thưởng và ông có biệt danh “Ngọc múa” từ trong phong trào lao động sản xuất của công nhân Dệt 8/3.
Sau 2 năm được đào tạo bài bản về nghiệp vụ Văn hóa quần chúng, năm 1981 ông làm chuyên trách công tác văn nghệ công ty. Được phân công “đúng người-đúng việc”, ông thả sức say mê sáng tạo với những vũ điệu phản ánh sinh động cuộc sống được biểu diễn phục vụ công nhân nhà máy và tham gia Hội diễn nghệ thuật quần chúng của quận Hai Bà Trưng. Đã có nhiều tiết mục múa hoặc hợp ca nam nữ có dàn múa phụ họa của ông đoạt giải cao trong các kì Hội diễn của Cụm Văn hóa-Thể thao Minh Khai, của quận Hai Bà Trưng và TP Hà Nội.
Năm 2000, ông được nghỉ chế độ hưu trí nhưng “máu nghề“ không cho ông ngơi nghỉ. Ông là thành viên Đoàn Nghệ thuật 19/5 thuộc Trung ương Hội NCT Việt Nam. Ngoài việc tham gia các chương trình biểu diễn của Đoàn phục vụ NCT tại các địa phương, ông dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, sáng tác nâng cao vũ điệu, đặc biệt là môn khiêu vũ thể thao khéo léo, mềm mại khá gần gũi với những điệu múa dân gian truyền thống. Ông dành cả căn phòng gần 30m2 mở các lớp từ đào tạo cơ bản đến nâng cao cho mọi đối tượng, đông nhất là cán bộ công chức đương chức và đã nghỉ hưu. Thời gian học được bố trí, sắp xếp linh hoạt, để học viên lựa chọn phù hợp với điều kiện riêng của mỗi người. Ngoài những điệu nhảy cơ bản, ông luôn sáng tạo thêm những bước đi, động tác tăng cường sự giao lưu tạo ra sự hứng khởi giữa những bạn nhảy, làm cho không khí sàn nhảy luôn sống động, hấp dẫn và cuốn hút những người tham gia. Đó là những bước nhảy mang thương hiệu của riêng ông, khó có thể nhầm lẫn với bước nhảy nào khác.
Đến nay, ông đã cho “ra lò” hàng ngàn “vũ công” có mặt trên nhiều sân khấu Hội diễn các cơ quan, trên các sàn nhảy điểm hẹn văn hóa. Có nhiều học viên đã “nhiễm” niềm đam mê của Thầy Ngọc, mở lớp dạy riêng góp phần mở rộng phong trào khiêu vũ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ sinh hoạt văn hóa của những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Sự đam mê còn “lây“ sang cả vợ ông, cô con gái và “truyền gen“ cho cháu nội mới 12 tuổi đã biết tự sáng tác ra những bước nhảy ngây thơ, ngộ nghĩnh theo giai điệu những bản nhạc mà cháu ưa thích.
Ông chia sẻ: “Để đạt được mơ ước thì cần phải có quyết tâm, không nản chí trước khó khăn và biết tìm ra “cơ hội“ để thực hiện. Cho dù trong hoàn cảnh nào mà đam mê cháy hết mình cũng sẽ thành công”.