Các nước đưa nhiều loại vaccine phòng chống COVID-19 vào thử nghiệm
Tin thế giới 04/05/2020 14:01
Trước những diễn biến dịch Covid -19 trên thế giới ngày càng phức tạp thì vaccine phòng virus SARS-CoV-2 đang được rất nhiều người quan tâm. Giới chức y tế Mỹ vừa phát đi thông báo, hiện có ít nhất 14 loại vaccine phòng virus SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vaccine vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021.
Số vacccine này được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vaccine chỉ trong thời gian tối đa 8 tháng.
Trong hai tuần tới, 14 loại vaccine này sẽ được tiến hành thử nghiệm thêm và giới chức y tế Mỹ hy vọng, khoảng 6 - 8 loại trong số đó sẽ được lựa chọn cho vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vaccine lọt vào vòng thử nghiệm sau cùng trước khi được đưa vào sử dụng đầu năm tới.
Tuy nhiên, quan chức y tế Mỹ chưa khẳng định đã có chắc chắn bất kỳ lại nào trong 14 vaccine trên được lựa chọn vào vòng cuối cùng. Tuy nhiên, họ lạc quan tin tưởng có một xác suất hợp lý rằng một hoặc nhiều loại vaccine sẽ cho kết quả tốt. Sau khi tìm được một loại vaccine có hiệu quả, các nhà nghiên cứu và giới chức y tế Mỹ sẽ nỗ lực để có thể nhanh chóng điều chế và sản xuất vaccine cho hơn 300 triệu người dân nước này.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi “Operation Warp Speed”, đồng thời cho biết, ông đang trực tiếp giám sát chương trình này và cam kết sẽ thúc đẩy nhanh chóng các bước đi chưa từng có.
Không chỉ người Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm vaccine phòng chống virus SARS -CoV -2, chính phủ Đức cũng đang tăng tốc quá trình nghiên cứu. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 2/5 cho biết, vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu, đồng thời khẳng định Berlin sẽ đóng góp “tài chính đáng kể” để đảm bảo rằng.
Vaccine một khi được phát triển sẽ được sản xuất hàng loạt để có thể tới tay được tất cả mọi người. Và đó chính là lý do tại sao cần một liên minh đủ lớn để cam kết thực hiện công việc này vào ngày 4/5.
Thủ tướng Angela Merkel cũng bày tỏ hoan nghênh khi không chỉ có các cơ quan chính phủ mà còn có các quỹ tài trợ tư nhân, các nhà sản xuất thuốc và điều chế vaccine cùng tham gia vào hoạt động này. Bà cũng cho biết thêm Đức muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vốn đóng vai trò then chốt, trong vấn đề này.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định rằng, chỉ có hành động chung - hành động đa phương và quốc tế - mới có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch này”. Theo bà Angela Merkel, sự hợp tác giữa các nước, các tổ chức là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, chứ không phải là cơ hội để hợp tác nữa.
Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.
Dự kiến ngày 4/5, Thủ tướng Angela Merkel sẽ tham dự hội nghị các nước tài trợ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 theo lời mời của Ủy ban châu Âu (EC). Trước đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, EU có kế hoạch sẽ gây quỹ quốc tế trị giá 7,5 tỉ eur để ứng phó với đại dịch COVID-19 và chiến dịch huy động sẽ bắt đầu từ 4/5.
Vaccine phòng virus SARS-CoV-2 được bào chế tại phòng thí nghiệm ở Rockville, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Hôm 30/4, Công ty công nghệ BioNTech, có trụ sở ở thành phố Mainz của Đức, cùng đối tác là Công ty Pfizer của Mỹ cho biết, nhóm đầu tiên gồm 12 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine phòng SARS-CoV-2 có tên gọi BNT162. Thử nghiệm do BioNTech tiến hành ngay sau khi được Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) cấp phép nghiên cứu.
Nghiên cứu nêu trên của BioNTech là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên tại Đức có liên quan tới vaccine phòng virus SARS-CoV-2. BioNTech đang xin cấp phép để thực hiện nghiên cứu lâm sàng ở Mỹ. Hiện công ty này cũng đã hợp tác với công ty dược phẩm Trung Quốc Fosun để phát triển vaccine BNT162 tại Trung Quốc - nơi Fosun có nguyện vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng.
Theo người đứng đầu BioNTech Ugur Sahin, công ty này gọi việc tìm kiếm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là dự án “tốc độ ánh sáng”, bởi quy trình nghiên cứu, phát triển được thực hiện thần tốc với sự tham gia của hầu như toàn bộ 1.300 nhân viên công ty kể từ khi bắt đầu dự án giữa tháng 1/2020. Việc xin cấp phép thử nghiệm lâm sàng từ viện PEI chỉ mất vài ngày.
Ngoài BioNTech, cho đến nay trên toàn thế giới hiện có 4 công ty khác đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine chống SARS-CoV-2 là Moderna và Inovio của Mỹ, cùng 2 công ty Trung Quốc là Sinovac và Cansino, trong đó Công ty Moderna đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng hồi giữa tháng 3/2020.
Trong khi đó, tại châu Á, Australia cũng đang chuẩn bị thử nghiệm 2 loại vaccine phòng chống COVID-19 tiềm năng trên động vật trước khi thử nghiệm trên người.
Theo Giám đốc Y tế Tổ chức Nghiên cứu khoa học công nghiệp Australia, ông Trevor Drew, trong hai loại vaccine này, một nhập từ Anh và loại còn lại nhập của Mỹ sẽ được tiêm trực tiếp hoặc kết hợp giữa tiêm và xịt vào mũi. Chồn là loại động vật được lấy làm thử nghiệm lần này.
“Các tế bào trong phổi của chồn sương rất rất giống với tế báo phổi của người, Vì vậy, virus tác động tới phổi của người cũng sẽ tác động đến phổi của chồn sương", ông Trevor Drew nói.
Cũng theo Giám đốc Y tế Tổ chức Nghiên cứu khoa học công nghiệp Australia, tìm kiếm loại vaccine điều trị COVID-19 đang được đẩy mạnh vào lúc này, trong bối cảnh các ca lây nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 tăng nhanh trên thế giới. Ông bày tỏ tin tưởng.
Trong số hàng tá dự án nghiên cứu vaccine phù hợp đang diễn ra trên thế giới, sẽ có dự án dẫn đến loại vaccine hiệu quả vào năm tới. Ngay khi các nhà khoa học tìm được loại vaccine hiệu quả và an toàn, bước tiếp theo là làm thế nào để sản xuất đủ và cung cấp cho tất cả mọi người.
Trong một diễn biến có liên quan, hãng dược phẩm Roche Holding AG của Thụy Sỹ vừa cho biết đã được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp bộ xét nghiệm kháng thể nhằm xác định một người liệu có dương tính với virus SARS-CoV-2 hay không.
Bộ xét nghiệm kháng khuẩn mang tên Elecsys được cho là có mức độ xét nghiệm chính xác đến 99,8% đối với người nhiễm COVID-19, cũng như hỗ trợ đánh giá phản ứng miễn dịch của bệnh nhân với bệnh.